Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế hiến kế 'cách ly xã hội' tại nhà máy

Thu Hằng
Thu Hằng
15/04/2020 17:00 GMT+7

“Việc bố trí lực lượng lao động làm việc luân phiên theo ngày có thể vừa giúp doanh nghiệp giữ người lao động vừa thực hiện giãn cách xã hội để phòng tránh dịch Covid-19 ”.

Đây là ý kiến của TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, trước đề xuất của một số địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đến 30.4.
Theo TS Chang-Hee Lee, trong tình hình hiện tại, doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ phải cho thêm nhiều người lao động nghỉ việc. Nếu không có biện pháp kiềm chế, điều này sẽ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng xã hội, dẫn tới hút cả hệ thống đi xuống.
“Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những doanh nghiệp có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động bằng các hình thức phân công công việc đảm bảo sức khỏe. Điều này sẽ giúp làm chậm lại và giảm thiểu cú sốc từ khủng hoảng việc làm”, ông Lee nhìn nhận.
Theo TS Chang-Hee Lee, việc luân phiên lực lượng lao động theo ngày có thể vừa giúp giữ người lao động vừa thực hiện giãn cách xã hội.
TS Chang-Hee Lee đề xuất: “Nhà máy có thể chia ca làm việc, ví dụ một số người lao động bắt đầu từ 7 giờ sáng, một số khác lúc 11 giờ trưa và tốp còn lại bắt đầu lúc 3 giờ chiều. Cách này có thể đảm bảo giãn cách xã hội không chỉ trong phạm vi nhà máy mà còn cả ở ngoài phố nữa, do người lao động cần di chuyển đến và đi từ nơi làm việc”.
Đại diện ILO Việt Nam cho hay, làm việc luân phiên cũng tạo tác động tích cực, chẳng hạn đối với các ngành dịch vụ, người lao động có thể đến siêu thị, cửa hàng tạp hóa trong các khung thời gian khác nhau phù hợp với thời gian làm việc của họ, nên có thể giúp tăng số lượng khách hàng và duy trì giãn cách xã hội ở các địa điểm đó. Điều này giúp đảm bảo kinh doanh an toàn, giữ việc làm và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Ngoài ra, ông Lee cho rằng, cần giảm tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, nông hộ và khu vực nông nghiệp - nông thôn. Đó chính là những loại hình kinh tế đã giúp Việt Nam vượt qua thời kỳ chiến tranh và các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ.
Nhằm bảo vệ người dân và sinh kế của họ, theo ILO, bảo trợ xã hội cần được tiếp tục đóng vai trò ưu tiên trong các gói hỗ trợ kích thích, bao gồm cả các gói hỗ trợ trong tương lai, để củng cố các biện pháp đã được thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.