Giảm được 684.374 người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách trong 5 năm

Vũ Hân
Vũ Hân
30/06/2021 15:19 GMT+7

684.374 người (hưởng lương là 293.380 người, hưởng phụ cấp là 390.494 người) đã được tinh giản trong 5 năm qua, theo báo cáo của Bộ Nội vụ.

Còn gần 2,77 triệu người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách

Để chuẩn bị cho sơ kết 6 tháng hoạt động ngành Nội vụ, báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, kết quả tinh giản biên chế đến 2021 đã vượt mục tiêu 10%.
Cụ thể, tổng biên chế công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Chính phủ từ T.Ư đến cấp huyện đến năm 2021 là 247.344 người, giảm 27.514 người (giảm 10,01%).
Số lượng người làm việc (biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước) trong các đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2021 là 1.787.031 người, giảm 238.846 người (giảm 11,79%).
Số hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000 trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ chi thường xuyên giảm 11.641 người (tương ứng giảm 14,88%).
Cán bộ, công chức cấp xã đến năm 2021 là 217.853 người, giảm 15.397 người (tương ứng giảm 6,59% so với 2015).
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố đến năm 2021 và 447.390 người, giảm 390.994 người (giảm 46,64% so với 2015).
Như vậy, tổng đối tượng hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước trong 5 năm qua là 684.374 người (đối tượng hưởng lương là 293.380 người và hưởng phụ cấp là 390.494 người), chủ yếu là cán bộ không chuyên trách cấp thôn, tổ dân phố, xã.
Như vậy, đến 2021, cả nước còn 2.766.209 người hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước, trong đó đông đảo nhất là lực lượng viên chức với gần 1,79 triệu người.

Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế chậm sửa đổi định mức

“Nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và kiểm điểm để rút kinh nghiệm sâu sắc về những tồn tại, hạn chế”, Bộ Nội vụ cho rằng, tinh giản biên chế tuy vượt chỉ tiêu giảm 10%, song chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, vẫn mới chỉ là giảm về số lượng. Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số.
Việc sử dụng biên chế công chức, viên chức được đánh giá là chưa hiệu quả; đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để đưa ra khỏi bộ máy những người có năng lực hạn chế, tinh thần, thái độ làm việc yếu kém chưa được các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện, nên chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu theo các nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Một số bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành chưa kịp thời ban ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh công chức chuyên ngành, chức danh nghề nghiệp viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Đặc biệt là Bộ GD-ĐT chậm sửa đổi định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp tại các bậc học; Bộ Y tế chậm sửa đổi định mức viên chức y tế/giường bệnh, viên chức y tế/dân số theo tinh thần Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3.7.2020 của Chính phủ làm cơ sở để bố trí biên chế, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp bảo đảm khoa học, sát với thực tế.
Người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp theo quy định tại Nghị định số 62/2020 và Nghị định số 106/2020 của Chính phủ.
Sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII đề ra do lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương chưa tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Trật tự, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, qua kiểm tra, thanh tra công vụ còn phát hiện nhiều biểu hiện vi phạm cần chấn chỉnh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.