Giảm nghèo bền vững toàn quốc: Không để sự cố môi trường làm dân tái nghèo

16/10/2016 09:00 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý không để tình trạng thảm họa môi trường xảy ra, gây khó khăn cho xã hội, ảnh hưởng mục tiêu giảm nghèo.

“Cần tính toán làm sao để môi trường sống của người dân an toàn, giảm bệnh tật nếu không chỉ một sự cố là người ta lại tái nghèo thôi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý như vậy tại hội nghị “Giảm nghèo bền vững toàn quốc” diễn ra vào hôm qua (15.10) ở Hà Nội.

tin liên quan

Tìm cách xóa nghèo cho Cần Giờ
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng dành cả ngày cuối tuần hôm qua (24.4) cùng với các sở ngành đi khảo sát và làm việc với H.Cần Giờ để tìm hướng phát triển kinh tế cho huyện này.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng ghi nhận những kết quả quan trọng của hoạt động xóa đói giảm nghèo mà VN đã đạt được, nổi bật là chỉ tiêu mà thế giới ghi nhận khi hết năm 2015 số người nghèo còn 4,45% theo tiêu chí cũ (9,92% theo tiêu chí mới). Chúng ta đã hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại bất cập trong công tác giảm nghèo. Thứ nhất, đó là kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao, nhất là ở những vùng đã thoát nghèo nhưng không sớm tổ chức lại phương thức sản xuất, chỉ sau một đợt thiên tai, lại tái nghèo. “Nhất là việc xác định hộ nghèo chưa chính xác, còn tình trạng xác định nghèo luân phiên ở một số địa phương, rồi kê khai “nhầm chỗ”. Cán bộ có thu nhập mà lại kê khai là người nghèo, hiện tượng này ít nhưng vẫn có và làm ảnh hưởng không nhỏ đến ý nghĩa công cuộc này”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cho rằng cũng có hiện tượng huy động quá lớn sức dân cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, rồi ảnh hưởng biến đổi khí hậu thời gian qua làm nhiều nơi tỷ lệ tái nghèo cao. Đáng chú ý, ngay ở đô thị như Hà Nội, TP.HCM nhưng tỷ lệ người nghèo vẫn còn.
Thủ tướng yêu cầu các chương trình phải dành đủ nguồn lực cho công tác xóa đói giảm nghèo trên nguyên tắc làm sao để người dân có những sinh kế tốt hơn, giảm nghèo tốt hơn. Đặc biệt, ông cũng lưu ý không để tình trạng thảm họa môi trường xảy ra, gây khó khăn cho xã hội, ảnh hưởng mục tiêu giảm nghèo ở địa phương.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng LĐ-TB-XH, chia sẻ giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều không đơn thuần chỉ giúp người dân đủ cơm ăn, áo mặc mà còn là việc phải đảm bảo để mọi người có thể tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin.
Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cho hay, so với chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, cả nước còn hơn 2,33 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,88% so với tổng số hộ dân toàn quốc) và hơn 1,23 triệu hộ cận nghèo (5,22%). Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, đời sống của một bộ phận dân cư có thu nhập sát ngưỡng nghèo cũng rất bấp bênh, chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh là có nguy cơ quay trở lại cảnh nghèo đói bất cứ lúc nào.
Vận động nhắn tin ủng hộ người nghèo
Hưởng ứng ngày Quốc tế chống đói nghèo (17.10), cũng là ngày Vì người nghèo VN, tại hội nghị, Bộ LĐ-TB-XH cùng Ủy ban T.Ư MTTQ VN đã tổ chức đợt vận động nhắn tin ủng hộ vì người nghèo trên Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia với chủ đề Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tham dự hội nghị đã cùng hưởng ứng, nhắn những tin nhắn đầu tiên.
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 15.10 đến hết ngày 30.11, Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia mở hệ thống để đón nhận đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tin nhắn theo cú pháp: VNN gửi 1409. Với mỗi tin nhắn, người ủng hộ sẽ đóng góp 15.000 đồng vì người nghèo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.