“Xé lẻ” nhưng sâu sát
Gần 200 hộ nghèo được 89 cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn H.Nam Trà My giúp đỡ trong năm 2015, nhưng số liệu thống kê này xem ra chưa thỏa mãn nhiều người, nhất là khi Nam Trà My đang dẫn đầu nhóm… các huyện nghèo. Theo số liệu thống kê quý 1.2016, khu vực 6 huyện miền núi cao của Quảng Nam đang có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (55,06%), riêng Nam Trà My “đội sổ” với 70,89% hộ nghèo.
Chuyện thoát nghèo, vì thế càng cần kíp tìm giải pháp phù hợp, hiệu quả. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My nhận thấy đã đến lúc phải “xé lẻ” đội hình trợ giúp, để họ tập trung hơn cho chính đối tượng mà mình phụ trách. “Năm ngoái, một cơ quan vài chục người được phân công giúp 3 hộ. Nhưng từ năm nay, cứ 3 cán bộ, viên chức phụ trách 1 hộ”, ông Bửu phân tích lý do thay đổi hình thức trợ giúp để cán bộ sâu sát hơn với từng hộ dân.
|
|
Tiếp sau thông báo của UBND H.Nam Trà My (giao các cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể, trường học và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện giúp hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững năm 2016), một bảng phân công chi tiết được ấn định để “kèm” các hộ nghèo ở các xã Trà Cang, Trà Dơn, Trà Don, Trà Leng, Trà Linh, Trà Mai, Trà Nam, Trà Tập, Trà Vân, Trà Vinh. Đáng chú ý, trong danh sách 169 hộ nghèo được phân công giúp đỡ đợt 1, chủ hộ tuổi đời trên 50 tuổi chiếm chưa đến 15 người, đa số còn khá trẻ (khoảng 30 tuổi), có trường hợp cần hỗ trợ thoát nghèo khi mới 22 - 24 tuổi.
Không muốn thoát nghèo ảo
Sau một thời gian “kèm” thanh niên Phạm Xuân Nghĩa (trú xã Trà Mai), ông Nguyễn Đình Bình, Chánh văn phòng UBND H.Nam Trà My đã không giấu được niềm vui khi “đối tác thoát nghèo” của mình giờ có nguồn thu nhập khá vững. Rẫy keo 1 ha, 200 gốc chuối đủ để Nghĩa tăng gia sản xuất nuôi 2 đứa em. Ông Hồ Văn Bông (thôn 2 Trà Linh) giờ cũng sở hữu hơn 200 gốc chuối, đã biết cách trồng sâm Ngọc Linh theo kỹ thuật mới sau một thời gian làm “em nuôi” của các cán bộ, viên chức trẻ của Phòng LĐ-TB-XH…
Giờ đây, các cán bộ, viên chức được phân công hỗ trợ thậm chí còn sát người sát hoàn cảnh hơn nữa, về tận cơ sở cầm tay chỉ việc. Từ đầu năm 2016, H.Nam Trà My rục rịch tính chuyện phân công các nhóm cán bộ, viên chức giúp dân thoát nghèo. Thoạt nghe, cứ tưởng đây chỉ là chuyện vẫn thường thấy đâu đó, đầu năm giao việc cuối năm tổng kết, nếu chưa đạt thì lại… rút kinh nghiệm!
“Giờ thì tính thực tế được đề cao, không cho phép thoát nghèo “ảo” nữa. Chuối ở các vườn nhà dân trồng bát ngát rồi! Nhưng bây giờ việc hỗ trợ vốn cũng chuộng yếu tố thiết thực: trồng xong, nghiệm thu thấy đảm bảo mới đưa tiền. Mà người dân cũng rất tốt bụng, hộ nào sản xuất hiệu quả thì bày vẽ cho người khác để họ cùng làm theo, không giấu diếm”, ông Hồ Quang Bửu đúc kết.
Trong khi chính quyền tỉnh Quảng Nam đang xốc lại tình trạng gia tăng tỷ lệ hộ nghèo (trên 55,6%) ở 6 huyện miền núi cao và giao Sở NN-PTNT chủ trì thực hiện đề án phát triển khu vực phía tây, thì sáng kiến thoát nghèo kiểu “3 kèm 1” của H.Nam Trà My mang nhiều giá trị thực tiễn. Bảng phân công của UBND huyện đặt nặng yêu cầu giúp hộ nghèo “thực sự có hiệu quả”, và tiêu chí thi đua cao nhất của đội ngũ cán bộ, viên chức ở Nam Trà My năm 2016 cũng chính là giúp được dân giảm nghèo.
Bình luận (0)