Gõ cửa đòi bồi thường oan sai

Lê Lâm
Lê Lâm
20/06/2021 06:46 GMT+7

Thời gian mà hai vợ chồng chủ doanh nghiệp ở Đồng Nai phải ngồi tù oan là gần 7 năm, và cả hai bắt đầu đi gõ cửa cơ quan chức năng để đòi bồi thường oan sai.

Hình sự hóa quan hệ dân sự

Công ty TNHH Minh Khiêm do bà Ngô Thùy Lan (42 tuổi, ngụ TP.Long Khánh, Đồng Nai) làm Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV; và ông Phạm Văn Hổ (47 tuổi, chồng bà Lan) làm Phó giám đốc, đóng tại TX.Long Khánh (nay là TP.Long Khánh) hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, dịch vụ lữ hành, vận tải hành khách đường bộ, bất động sản, đại lý bảo hiểm.
Quyết định đình chỉ vụ án, bị can của Viện KSND tỉnh Đồng Nai đối với ông Hổ, bà Lan
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2009 - 2012, Công ty TNHH Minh Khiêm do vợ chồng bà Lan làm chủ liên tục thua lỗ. Để có tiền trả nợ, trong khoảng thời gian từ 2010 - 2011, vợ chồng bà Lan đã nói dối công ty làm ăn hiệu quả và huy động vốn, đồng thời hứa hẹn trả lãi suất cao, nhằm tạo lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cá nhân và tổ chức, với tổng số tiền 4 tỉ đồng.
Vào tháng 10.2011, Cơ quan CSĐT Công an TX.Long Khánh khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để điều tra. Tháng 2.2012, Cơ quan CSĐT Công an TX.Long Khánh khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Lan về hành vi trên, đồng thời chuyển hồ sơ vụ án lên Công an tỉnh Đồng Nai điều tra theo thẩm quyền. Bà Lan bị bắt tạm giam đến tháng 4.2013 thì được tại ngoại. Vụ án sau đó bị đình chỉ, và đến tháng 12.2013 thì được phục hồi điều tra, bà Lan tiếp tục bị bắt tạm giam. Còn về phía ông Hổ cũng có tình trạng pháp lý tương tự: bị bắt tạm giam tháng 5.2012, đến tháng 8.2012 thì tại ngoại; đến tháng 9.2012 vụ án đình chỉ, và đến tháng 1.2014 phục hồi điều tra, nhưng lúc này ông Hổ được cho tại ngoại.
Tháng 4.2015, TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Lan 16 năm tù, ông Hổ 10 năm tù, đồng thời ra lệnh bắt giam ngay tại tòa; buộc hai vợ chồng bồi thường số tiền 3,75 tỉ đồng cho các bị hại.
Bà Lan, ông Hổ kháng cáo kêu oan. Tháng 10.2015, TAND cấp cao tại TP.HCM đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Đồng Nai điều tra lại với lý do cấp sơ thẩm chưa làm rõ các tài liệu còn mâu thuẫn, thì chưa có căn cứ pháp lý để xác định yếu tố chiếm đoạt tài sản; chưa thu thập các tài liệu xác định hành vi của các bị cáo là giao dịch dân sự hay hình sự...
Sau gần 3 năm điều tra bổ sung nhiều lần nhưng không đủ cơ sở buộc tội, đến tháng 8.2020, Viện KSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra 2 bị can do không phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chưa thống nhất cơ quan giải quyết?

Sau khi nhận được quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can, vợ chồng bà Lan bắt đầu gửi đơn yêu cầu xin lỗi và bồi thường bị bắt oan với số tiền hơn 62,2 tỉ đồng (bà Lan yêu cầu 60 tỉ đồng và ông Hổ 2,2 tỉ đồng) cho thời gian bị bắt giam oan (bà Lan ngồi tù oan 1.650 ngày, ông Hổ 873 ngày) và tổn thất tinh thần cùng nhiều khoản chi phí khác (thiệt hại tài sản do bị mất cắp, hư hỏng, phát mãi, mất thu nhập thực tế, thiệt hại do thu nhập thực tế, lãi suất do vay mượn tiền kinh doanh, mua đất chưa thanh toán...).

Phục hồi điều tra sau khi bị can yêu cầu bồi thường

Bào chữa cho vợ chồng bà Ngô Thùy Lan và ông Phạm Văn Hổ trong vụ án này là luật sư Nguyễn Thanh Tuấn (thuộc Đoàn luật sư Đồng Nai). Luật sư Tuấn nêu quan điểm, vụ việc xảy ra từ năm 2011 nhưng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai không làm rõ được hành vi phạm tội của 2 bị can nên đã đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, sau khi bà Lan và ông Hổ khiếu nại, yêu cầu bồi thường thì cơ quan CSĐT lại phục hồi điều tra, khởi tố lại vụ án. Quá trình điều tra không có nội dung mới nhưng vẫn kết tội các bị cáo, dẫn đến việc hình sự hóa quan hệ dân sự.
Ông Hổ cho hay: “Thời điểm xảy ra vụ án, vợ thì bị bắt tạm giam trước đó, còn tôi ở nhà chăm sóc 2 đứa con nhỏ (7 tuổi và 10 tuổi). Sáng đó (ngày 18.5.2012) khoảng 9 giờ, công an đến đọc quyết định và bắt đưa tôi đi tạm giam. Lúc này, 2 đứa con nhỏ được một người nhân viên trong công ty trông coi, sau đó người thân hay tin thì chạy tới đưa về nhà chăm sóc. Hai vợ chồng bị bắt rồi, căn nhà 3 lầu đang ở trở thành nhà hoang, không ai trông coi, kẻ gian đã vào trộm cắp, phá phách khiến nhà hư hỏng nặng nề”.
Ban đầu, hồ sơ yêu cầu bồi thường được gửi đến Viện KSND tỉnh Đồng Nai, thì cơ quan này trả lời đã chuyển đơn đến Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai để giải quyết theo thẩm quyền. Phòng Cảnh sát kinh tế sau đó thông báo, căn cứ điểm b, khoản 1, điều 36, luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, thì nội dung yêu cầu bồi thường oan sai trên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh Đồng Nai. “Phòng Cảnh sát kinh tế nói đã chuyển hồ sơ qua đó, đề nghị vợ chồng tôi đến đó liên hệ để giải quyết. Hai vợ chồng lại đến “gõ cửa” TAND tỉnh Đồng Nai, thì nơi đây trả lời thẩm quyền giải quyết thuộc Sở Tư pháp Đồng Nai”, ông Hổ cho biết.

Trong vòng 5 ngày, sở tư pháp phải xác định cơ quan bồi thường

Theo luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, giảng viên thỉnh giảng Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp), căn cứ nội dung vụ án, trong trường hợp này, theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 36, luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017, thì cấp sơ thẩm phải có trách nhiệm bồi thường, cụ thể ở đây là TAND tỉnh Đồng Nai. Theo khoản 4, điều 41 của luật này, người bị thiệt hại có thể nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường đến sở tư pháp, nơi người bị thiệt hại cư trú. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đơn, sở tư pháp có trách nhiệm xác định cơ quan bồi thường và chuyển hồ sơ đến đơn vị đó.
Ngày 21.12.2020, Sở Tư pháp Đồng Nai đã có văn bản chuyển hồ sơ qua TAND tỉnh Đồng Nai để xem xét giải quyết, nhưng sau đó (ngày 4.1.2021) đã ra quyết định thu hồi với lý do “chưa trao đổi với các cơ quan liên quan để thống nhất cơ quan giải quyết bồi thường”. “Vợ chồng chúng tôi nhiều lần đến Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai để hỏi thăm tin tức, mới nhất là vào tháng 4.2021 nhưng người của sở này trả lời đang xin ý kiến của T.Ư về trách nhiệm bồi thường”, ông Hổ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.