Hà Nội lo cháy chung cư vì nhiều công trình xuống cấp

Vũ Hân
Vũ Hân
03/04/2018 14:13 GMT+7

3 chung cư chây ì không khắc phục tồn tại về PCCC đã được chuyển sang cơ quan CSĐT làm rõ, Hà Nội vẫn lo lắng về an toàn cháy nổ của hàng trăm chung cư khác.

Sáng 3.4, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức hội nghị kiểm điểm tình hình công tác PCCC trên địa bàn thành phố sau nhiều sự cố cháy nổ khiến dư luận hoang mang.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP, cho biết năm 2017 và quý 1 năm nay, Hà Nội xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ, trong đó có 31 vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng; 87 vụ cháy nhà cao tầng. Riêng quý 1 đã xảy ra 280 vụ.
Các vụ cháy đã khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỉ đồng và 6,3 ha rừng.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm Hà Nội có khoảng 30 sự cố cháy nổ xảy ra tại các nhà cao tầng, tuy không gây hậu quả về người, nhưng ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân, đặc biệt sau vụ việc cháy chung cư Carina Plaza (TP.HCM) khiến 13 người thiệt mạng.
Năm 2017, Hà Nội đã công khai danh sách 79 chung cư vi phạm về PCCC, khuyến cáo người dân cân nhắc khi mua nhà tại đây. Đến nay, đã có 48/79 công trình khắc phục xong tồn tại và được tổ chức nghiệm thu về PCCC, 13 công trình đã khắc phục được khoảng 60 % sai phạm, 3 công trình có khả năng khắc phục nhưng chưa thực hiện và 15 công trình không có khả năng khắc phục.
3 công trình được xếp vào diện “chây ì”, không khắc phục gồm: Chung cư CT4 Văn Khê do Công ty CP Sông Đà là chủ đầu tư; chung cư CT5 A, B Văn Khê và chung cư CT6 Văn Khê, do Công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư. Hiện, Sở Cảnh sát PCCC đã tập trung thu thập tài liệu hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra Công an Hà Nội thụ lý.
Ngoài ra, 15 công trình không có khả năng khắc phục vì xây dựng giai đoạn trước năm 2001 (trước khi có luật PCCC), UBND TP.Hà Nội đã báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Công an xin các biện pháp, giải pháp cơ bản để khắc phục, như Thanh Niên đã đưa tin.
Điều đáng nói là lãnh đạo PCCC Hà Nội lo ngại tình hình cháy xảy ra ở các nhà chung cư, công trình cao tầng có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới, do những công trình xây dựng trước năm 2000 hiện đã xuống cấp, việc bảo dưỡng, kiểm tra hệ thống, thiết bị PCCC còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quy định.
Lãnh đạo Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng cho biết tới đây sẽ rà soát kiểm tra 100 % công trình nhà cao tầng hiện có của TP (khoảng trên 1.100 công trình, tòa nhà).
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đã ra “tối hậu thư” yêu cầu đôn đốc các nhà cao tầng có khả năng khắc phục hoàn thành công tác PCCC trước 30.4 tới.
Những công trình không đảm bảo PCCC thì tiếp tục kiểm tra, xử phạt, thậm chí có thể cưỡng chế công trình vi phạm. Ông Sửu đã yêu cầu Sở Tư pháp nghiên cứu quy trình để lên kế hoạch cưỡng chế.
Trước tính cấp bách của vấn đề, từ 15.4 tới đây, cơ quan chức năng của Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra PCCC tại nhà cao tầng, quán karaoke, làng nghề, xưởng sản xuất… Hà Nội cũng sẽ tăng cường trang bị kỹ năng sử dụng thiết bị phòng độc và mặt nạ phòng độc cho người dân.
Theo thống kê của Cảnh sát PCCC Hà Nội, hiện TP có khoảng 43.286 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC, đã lập hồ sơ quản lý 18.246 cơ sở, trong đó có 8.207 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ.
Lãnh đạo cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết đã thanh, kiểm tra, phúc tra gần 38.000 lượt đơn vị, cơ sở; phát hiện và yêu cầu khắc phục hơn 105.000 tồn tại thiếu sót về PCCC, xử phạt hơn 4.000 tổ chức, cá nhân với số tiền gần 13 tỉ đồng, nhưng tình hình cháy, nổ trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có dấu hiệu gia tăng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.