Đây là dự án được thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản. Theo ông Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản, công nghệ này đã từng thành công tại một số dự án về xử lý ô nhiễm nước sông trên thế giới như tại Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… Tại Việt Nam, công nghệ trên cũng đã được thử nghiệm thành công ở Hải Phòng.
Theo ông Yamamura, công nghệ nêu trên có thể phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy - nguồn tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch, mà không cần nạo vét. Với công suất xử lý lên tới 1.350.000 m3/ngày đêm, nước thải ra sông Tô Lịch có thể được xử lý trong ngày.
Theo Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Nghiêm Vũ Khải, việc áp dụng công nghệ này để thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch sẽ mở đầu cho chuỗi các hoạt động làm sạch các dòng sông, hồ của thủ đô và có thể lan tỏa ra các địa phương khác.
Tuy nhiên, ông Khải cũng nhấn mạnh “đây là một công nghệ hiện đại, nhưng không phải là “bảo bối”. Do vậy, phải tiếp cận đến giải pháp tổng thể xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp từ nguồn”.
GS - TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Môi trường (VUSTA) đánh giá cao công nghệ nano-bioreactor nhưng cho rằng nó chỉ tạm thời xử lý tình huống khi thành phố chưa thu gom được nước thải dọc sông Tô Lịch và chờ nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động.
Có chiều dài khoảng 14 km, toàn tuyến sống Tô Lịch bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì) có hơn 200 cửa xả nước thải.
Theo ước tính của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, mỗi ngày có 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Ngoài ra, hạ lưu sông còn phải tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Vĩnh Tuy, Mai Động, Văn Điển. Các nguồn ô nhiễm đã biến sông này trở thành một dòng sông chết. Nhiều kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch đã được thành phố đưa ra từ hơn 10 năm qua nhưng đều không hiệu quả.
Tháng 3.2017, UBND TP Hà Nội tiếp nhận khoản tài trợ ODA không hoàn lại của Nhật Bản khoảng 700.000 USD để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch khu vực Vĩnh Ninh – Đại Áng, trong đó, nổi bật là dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày đêm, được khởi công vào tháng 10.2016. Nhà máy này hiện vẫn đang được thi công.
Đầu tháng 4.2019, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cũng đề xuất thành phố phê duyệt phương án đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây vào để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.
Bình luận (0)