Tối ngày 8.5, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ kỷ niệm “990 năm Thanh Hóa”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đông đảo người dân đã tham dự buổi lễ.
|
Lễ kỷ niệm “990 năm Thanh Hóa” là sự kiện nhằm đánh dấu mốc thời gian 990 năm ra đời và tồn tại tên gọi Thanh Hóa, với tư cách một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.
Diễn văn khai mạc, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của Thanh Hóa đến ngày hôm nay. Ông Chiến cho biết, qua các hội thảo lịch sử, các nhà khoa học khẳng định, vào đời Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 2 (1029), vùng đất Ái Châu, Cửu Chân được mang tên Thanh Hoá.
|
Ông Chiến khẳng định thêm, việc kỷ niệm 990 năm Thanh Hoá, nhằm khẳng định một dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của quê hương Thanh Hoá anh hùng và còn là dịp để mỗi người dân cùng ôn lại truyền thống vẻ vang, những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hoá trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ đó cùng vững tin, chung sức, chung lòng xây dựng Thanh Hoá nhanh chóng trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những đóng góp của Thanh Hóa cùng với cả nước trong tiến trình dựng nước và giữ nước.
Thủ tướng khẳng định, Thanh Hóa là vùng đất lịch sử, giàu truyền thống văn hóa. Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến nguồn cội, những di sản văn hóa phong phú, đa dạng, có nhiều di tích có giá trị. Dòng văn hóa lịch sử sông Mã, bắt đầu từ văn hóa đồ đá cũ, núi Đọ, tới nền văn hóa đá mới Đa Bút, văn hóa kim khí Đa Lộc, làm nên nền văn hóa đồ đồng với trống đồng Đông Sơn, đã góp phần quan trọng trong kho tàng văn hóa Việt Nam.
Với những giá trị trên, Thủ tướng cho rằng, xứ Thanh là một trong những cái nôi chứa đựng những văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Việt nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng. Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đều thể hiện sâu sắc những gian lao, vất vả, lạc quan, niềm tin và khát vọng của các thế hệ con người xứ Thanh trong lao động sản xuất và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam như tiền Lê, hậu Lê, nhà Hồ, nhà Nguyễn.
|
Thủ tướng đã đề nghị tỉnh Thanh Hóa cùng với toàn dân, tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng.
Đó là, phát triển công nghiệp chế biển, chế tạo, du lịch, nông nghiệp, y tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng với trọng tâm là Khu kinh tế Nghi Sơn; tiếp tục tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án lớn đang triển khai; tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với đào tạo nghề và chuyển đổi nghề; tiếp tục cải cách hành chính, cảo thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao sức cạnh tranh cấp tỉnh và xác định đến năm 2020 Thanh Hóa đứng trong tốp đầu của 15 tỉnh, thành phố cả nước về chỉ số nặng lực cạnh tranh cấp tỉnh; không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách cho người có công…
Tiếp sau phần lễ kỷ niệm “990 năm Thanh Hóa” là chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”, tổng thời lượng 60 phút, được chia làm 3 chương, chương thứ nhất: Địa linh nhân kiệt, chương 2: Truyền thống Anh hùng, chương 3: Hội nhập phát triển.
Trước đó, sáng cùng ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm triển lãm “Thanh Hoá xưa và nay”; dự lễ khởi công xây dựng trang trại bò sữa của Tập đoàn TH tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống (Thanh Hóa); thăm hỏi, tặng quà cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện ung bướu tỉnh Thanh Hóa.
Bình luận (0)