Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (33 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) - vừa được tòa phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM công nhận và cho thi hành tại VN phán quyết của tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng Albi - nước Cộng hòa Pháp buộc ông Azais Alexandre Stephane (43 tuổi, quốc tịch Pháp) phải giao con chung giữa ông và chị cho chị nuôi dưỡng.
Tá hỏa khi biết con được đưa sang Pháp
Gặp lại chị sau phiên tòa, chị kể lại câu chuyện mà khóe mắt rưng rưng: Ngày 14.8.2014, chị sinh bé Sarah (con của chị và ông Azais). Ngày 29.11.2014, ông Azais xin đưa con về nhà riêng, chị đồng ý. Chiều 29.11, không thấy con về, chị chạy đến nhà ông Azais bấm chuông nhưng không ai trả lời. Chị đứng ngoài cổng 1 tiếng, rồi 2 tiếng, 3 tiếng. Chị nghĩ ông Azais chỉ đưa con đi đâu vài ngày. Nhưng 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng không thấy con, chị tá hỏa làm đơn lên Cục Xuất nhập cảnh thì được thông báo, ông Azais đưa con sang Pháp từ ngày 24.2.2015.
“Đứa con mới 3 tháng rưỡi tuổi mà ổng (ông Azais) bắt nó đi, không cho con bú sữa mẹ. Ổng đưa bé đi mà không nghĩ tới người mẹ, không nghĩ tới bé cũng là con mình”, chị nói.
Những ngày đi tìm con chị mang theo cả dụng cụ hút sữa với hy vọng tìm được con. Ba mẹ chị an ủi “đứa bé đã tuột khỏi tầm tay của mình rồi, con đừng có buồn nữa”, nhưng làm sao không buồn được. Sau Tết Nguyên đán 2015, chị bắt đầu đi làm lại để kiếm tiền lo các thủ tục sang Pháp tìm con.
“4 năm, giờ nhìn lại, nghĩ sao mình có thể sống đến bây giờ, cũng hay thiệt!”, Huyền nói và cho rằng cũng không hiểu làm sao chị có thể vượt qua được nỗi đau khổ xa con chừng ấy thời gian.
|
Rồi qua Pháp
Nhắc đến hành trình sang Pháp tìm con, chị bảo những gì làm được chị đã làm. Từ việc ở trong ký túc xá với Hội Sinh viên VN tại Pháp, đến việc thuê phiên dịch, thuê luật sư bên Pháp để nộp đơn khởi kiện ra tòa Albi. 3 tháng ở Pháp, 4 lần duy nhất chị được gặp trực tiếp con nhờ sức ép của tòa Albi. Ngày tòa Albi tuyên án là ngày 23.6.2016 nhưng chị phải về VN do hết hạn visa thì cũng từ đó đến nay, chị chưa gặp lại con.
“Sau khi tòa Albi tuyên án, ngày 30.6.2016, ổng đưa con về VN, nhưng thay đổi chỗ ở. Ông Azais vẫn làm thủ tục thông báo cho mình, nhưng khi mình qua tìm gặp con thì không bao giờ ông cho gặp. Mình gặp luật sư để tìm hiểu các thủ tục thực hiện bản án của tòa Albi, rồi nộp đơn khởi kiện yêu cầu công nhận và cho thi hành tại VN bản án nước ngoài. Bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa Albi tại VN, tức mình được quyền nuôi con”, chị Huyền lạc giọng.
Theo chị Huyền, với những phiên họp tại VN giải quyết yêu cầu của chị, ông Azais chưa một lần đến tòa. Nhưng phiên tòa phúc thẩm ngày 29.8 vừa qua, lần đầu ông Azais xuất hiện.
Suy nghĩ của chị Huyền giờ đây đã lạc quan, tích cực hơn rất nhiều so với khoảng thời gian chị phải chạy tìm con, mong được gặp con. “4 năm đó là quãng thời gian khó quên trong cuộc đời”, chị Huyền nói.
Muốn để con lựa chọn
Xa con khi mới 3 tháng rưỡi tuổi, chị Huyền hiểu nếu giờ gặp lại con, sẽ là một giai đoạn mới giữa hai người, đầy khó khăn và thử thách.
Chị kể sau phiên tòa phúc thẩm 29.8, trở về nhà, chị đã nhắn tin cho bố Sarah rằng Sarah ở với chị sẽ rất tốt, ông Azais có thể đến thăm con, chị không ngăn cản việc ông Azais chăm sóc cho Sarah vì con cần tình yêu cả bố và mẹ. Chia sẻ thêm, chị không muốn phải dẫn đến tình cảnh áp dụng biện pháp cưỡng chế, lấy con từ bố.
Chị nói, giờ gặp con chưa hẳn Sarah sẽ chạy đến ôm chị nhưng chị tin mẹ - con sẽ có ràng buộc về máu thịt và chị không tin Sarah sẽ từ chối chị, tiếp nhận chị. “Mình sẽ nỗ lực để hai mẹ con kết nối lại tình cảm với nhau. Và khi đó, nếu Sarah lựa chọn ở với bố, mình vẫn đồng ý. Chỉ mong, ông Azais đừng tước quyền làm mẹ của mình”, chị Huyền trải lòng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM): Biện pháp thi hành án (THA) sẽ có 2 trường hợp là, tự nguyện THA và cưỡng chế. Thời hạn tự nguyện THA là 15 ngày, kể từ ngày ông Azais nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định THA từ cơ quan THA dân sự. Sau 15 ngày, nếu người phải THA không tự nguyện THA và không có lý do chính đáng thì cơ quan THA sẽ tổ chức cưỡng chế, buộc ông Azais giao con cho chị Huyền.
Ngoài ra, theo luật sư Hậu, nếu ông Azais cố tình không giao con thì các quy định pháp luật hiện hành có các chế tài về xử phạt hành chính và xử lý hình sự về hành vi “không chấp hành án”.
|
Bình luận (0)