Xua đuổi, hành hung mẹ về thăm con sau khi ly hôn có bị xử lý?

10/03/2018 17:00 GMT+7

Liên quan đến trường hợp một người mẹ bị gia đình chồng đánh đuổi, không cho gặp con gây xôn xao dư luận, các chuyên gia cho rằng không ai được cản trở quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con của cha mẹ.

Trước đó, dư luận có nhiều ý kiến quanh việc chị O. (ngụ tỉnh Vĩnh Phúc) bị gia đình chồng đánh đuổi không cho gặp con nhỏ. Mặc dù có thể câu chuyện còn nhiều uẩn khúc, nhưng đa phần dư luận cho rằng không ai được quyền cấm cản, đánh đuổi một người mẹ đến thăm nom con mình...
Không ai được phép cản trở quyền của cha mẹ
Ngày 9.3, Luật sư (LS) Trần Tấn Tài, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết, theo Luật định số 52/2014/QH13 về Hôn nhân và Gia đình quy định, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Đồng thời, người cha, mẹ sẽ thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Nếu không thỏa thuận được thì dựa theo quyết định của Tòa án.
LS Tài nhấn mạnh theo quy định của bộ Luật trên, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan thì sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Ngược lại, người trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình, không được phép gây cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
“Như vậy, đối với trường hợp nói trên, nếu như chị O. là người không được trực tiếp nuôi con sau khi có quyết định của Tòa án thì chị O. vẫn được quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con. Ngược lại, người trực tiếp nuôi con ở đây là chồng của chị O. và các thành viên gia đình nhà chồng gồm bố chồng, mẹ chồng… không một ai được phép gây cản trở quyền thăm nom, chăm sóc con của chị O.”, LS Tài cho biết.
LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng nhận định rằng trong trường hợp nếu người chồng cảm thấy việc chị O., người không trực tiếp nuôi con, đã lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con là người chồng, có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của chị O.
“Tuy nhiên, nói đi cũng cần nói lại, nếu chị O. không lạm dụng việc thăm nom con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì có thể khởi kiện chồng cũ và gia đình chồng cũ ra tòa vì những hành vi cản trở chị thực hiện quyền giữa mẹ và con theo quy định của Bộ luật Hôn nhân và Gia đình. Ngoài ra, chị O. cũng có thể báo với chính quyền, cơ quan công an cấp xã nơi gia đình nhà chồng cư trú về hành vi ngăn cản chị trông nom con cái, để họ có thể can thiệp giải quyết”, LS Chánh nói.
Có thể thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
LS Tài cho biết không ít người vì thù hận chồng (vợ) cũ tìm mọi cách để ngăn cản đối phương thực hiện quyền và nghĩa vụ làm cha, mẹ. Và hành vi cản trở này có thể bị phạt cảnh cáo hoặc hành chính từ 100.000 đến 300.000 đồng. Tuy nhiên, điều đang nói ở đây là tình mẫu tử thiêng liêng của người làm mẹ, làm cha bị chia cắt. Việc thiếu thốn sự nuôi dạy, chăm sóc của cha hoặc mẹ sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và quá trình trưởng thành đối với trẻ.
LS Chánh cũng cho biết thêm nếu như trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con bị người trực tiếp nuôi con gây cản trở, ảnh hưởng đến quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên sau ly hôn, thì người không trực tiếp nuôi con có thể làm đơn kiện ra Toà án để xin thay đổi lại quyền được trực tiếp nuôi con.
“Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sẽ được Toà án giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên; Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự”, LS Chánh nói thêm.
Tuy nhiên, LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì cho rằng đối với trường hợp của chị O., để thực hiện việc thay đổi quyền được trực tiếp nuôi con, chị O. phải có bằng chứng chứng minh chị bị chồng cũ ngăn trở thăm con của mình. Ngoài ra, để dành được quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn của chị O.nói riêng và những cha mẹ giống trường hợp trên nói chung, cần phải thu thập các chứng cứ chứng minh được rằng người chồng cũ đã không hoàn thành trách nhiệm nuôi dưỡng con. Đồng thời, chị O. phải chứng minh được khả năng tài chính và khả năng chăm sóc con của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.