Hỗ trợ người lao động

23/04/2021 05:54 GMT+7

Hành vi chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của một số công ty vẫn diễn ra dai dẳng.

Theo thông tin từ BHXH TP.HCM, tính đến cuối năm 2020, có 35.612 đơn vị nợ đóng BHXH với 325.000 lao động, tổng số tiền nợ 2.469 tỉ đồng.
Việc công ty trốn đóng BHXH dẫn đến một lượng lớn người lao động (NLĐ) phải gánh chịu thiệt hại nhãn tiền, không nhận được trợ cấp thất nghiệp trong thời điểm khó khăn của dịch Covid-19; không được BHXH chi trả các chế độ, như: ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất…
Trước đó, vào tháng 12.2020, Phòng Thanh tra - Kiểm tra BHXH TP.HCM cho biết có 76 đơn vị nợ và trốn đóng BHXH cho NLĐ với số tiền 153,7 tỉ đồng. BHXH TP và BHXH các quận, huyện đã chuyển hồ sơ 76 đơn vị này sang cơ quan công an để xử lý về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo điều 216 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Mặc dù chế tài đối với tội danh này có mức phạt tiền lên đến 3 tỉ đồng, phạt tù cao nhất đến 7 năm, nhưng khi áp dụng xử lý hình sự, cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn, như doanh nghiệp chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó về hành vi trốn đóng BHXH để làm căn cứ xử lý hình sự; hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm luật có hiệu lực…, hay khó khăn trong việc chứng minh hành vi gian dối, dùng thủ đoạn khác bởi công ty thường đưa ra lý do đang khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên nợ đóng BHXH chứ không phải trốn đóng BHXH.
Để đòi lại quyền lợi cho mình, NLĐ có quyền gửi khiếu nại lên Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH hoặc gửi đơn kiện đến tòa án. Tuy nhiên, đa số NLĐ đều không đủ kiến thức pháp luật, thời gian và cả tài chính để làm các thủ tục khởi kiện, đeo đuổi một vụ kiện phức tạp như thế. Do vậy, cơ quan đại diện chính thức của tập thể NLĐ là tổ chức công đoàn cần phải hỗ trợ NLĐ nhiều hơn nữa, làm sao bảo đảm được quyền lợi chính đáng của NLĐ và cả việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.