Học Bác từ những điều bình dị

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/08/2019 07:37 GMT+7

28 cá nhân, tập thể là các điển hình tiêu biểu toàn quốc, 28 câu chuyện sinh động của những con người ở nhiều độ tuổi, vùng miền khác nhau; nhưng toát lên điểm chung là học Bác từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống .

Sáng nay 19.8, nhân dịp sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của T.Ư về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Người, 28 tập thể, cá nhân là các điển hình tiêu biểu toàn quốc tham dự chương trình giao lưu “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng”.
28 cá nhân, tập thể tham dự cuộc giao lưu là 28 câu chuyện sinh động của những con người ở nhiều độ tuổi, vùng miền, lĩnh vực khác nhau; nhưng toát lên điểm chung là học Bác từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống.
Đó là câu chuyện của người thầy giáo “nghìn việc tốt” tuổi đã chạm ngưỡng 80 Nguyễn Đức Thìn ở Bắc Ninh. Đó cũng là câu chuyện của chàng trai đoạt huy chương vàng toán quốc tế Nguyễn Thuận Hưng tuổi mới 18 ở Hải Phòng; là câu chuyện của anh nông dân đam mê làm việc thiện Ngô Văn Đậu ở An Giang; câu chuyện của “khắc tinh tội phạm ma túy” ở Hà Tĩnh - đại tá Nguyễn Văn Giáp hay câu chuyện của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt tuổi đã 70 vẫn rong ruổi khắp mọi miền đất nước để vẽ chân dung các mẹ VN anh hùng... Ở họ đều có một điểm chung là khát vọng vượt lên chính bản thân và hoàn cảnh, để đem lại những điều tốt đẹp cho những người xung quanh, cho xã hội và đất nước - điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời vẫn luôn đau đáu.

“Là anh hùng chiến thắng chính tôi”

Ở tuổi 79, với 2 bàn tay khuyết tật do di chứng của bệnh phong, Anh hùng lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (TX.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) vẫn phấn đấu và làm việc theo tinh thần phong trào “Làm nghìn việc tốt” mà ông phát động theo lời Bác Hồ dạy từ nhiều năm nay. Đôi bàn tay đã hoàn toàn không còn cảm giác, ông Thìn vẫn cầm bút gõ máy tính tiếp tục sáng tác thơ, văn và viết báo, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội ở địa phương, hướng dẫn bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên ở di tích Đền Đô - di tích quốc gia thờ 8 vị vua nhà Lý - nơi Bác Hồ về thắp hương cho các đức vua và nói chuyện với bà con nhân dân.

Phải làm nhiều việc tốt cho quê hương, đất nước và để hoàn thiện mình tốt hơn lên

Anh hùng lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn

Điều đáng quý ở người Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn là tinh thần vươn lên chiến thắng chính mình. Khi ở tuổi 30, người thầy giáo dạy văn và lịch sử ấy không may mắc căn bệnh phong - một trong “tứ chứng nan y” lúc bấy giờ. Song không phải vì thế mà ông mất đi khát vọng đối với cuộc sống, khát vọng chia sẻ. Trong 1.461 ngày điều trị tại bệnh viện, thầy giáo Thìn đã không để phí một ngày nào. Vừa điều trị, vừa học tập, ông còn tổ chức lớp học tình thương để dạy các em học sinh và viết tập thơ. “Mong sống đẹp tôi là thi sĩ/Là anh hùng chiến thắng chính tôi”, là những câu thơ mà ông viết trong những ngày chữa bệnh ở Bệnh viện phong Quỳnh Lập (Nghệ An).
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn cùng các em đội viên của Bắc Ninh Ảnh: baobacninh.com.vn

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn cùng các em đội viên của Bắc Ninh

Ảnh: baobacninh.com.vn

Ông Thìn chia sẻ, những nghị lực mà ông có được một phần lớn là vì muốn được làm theo những điều Bác Hồ đã dạy. “Tôi kính yêu Bác Hồ và muốn được làm theo lời Người nhiều lắm. Bác từng dạy thiếu nhi nhưng cũng là lời dạy cho tất cả chúng ta, đó là “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Đó chính là cái gốc của tình yêu, bản lĩnh, trí tuệ, cũng là cái gốc hướng tới của phong trào thi đua. Phải làm nhiều việc tốt cho quê hương, đất nước và để hoàn thiện mình tốt hơn lên”, ông Thìn nói.
Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Hoa (P.Tân Thiện, TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) cũng là về một cuộc chiến đấu để vượt lên chính mình, khi bà tự nguyện hiến căn nhà hơn 100 m2 - công sức tích góp cả đời và cũng là căn nhà mà bà đã gắn bó bao lâu nay, để phục vụ đề án chỉnh trang đô thị của thị xã.
Không những thế, bà còn cùng ban điều hành khu phố đến từng nhà vận động bà con, hàng xóm đồng thuận với chủ trương của thành phố. “Có được việc làm tự giác ấy là do tôi đã tiếp thu được tinh thần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự hy sinh lợi ích cá nhân vì cộng đồng. Cả cuộc đời Bác đã cống hiến cho dân, cho nước, nên việc tôi dành ngôi nhà và mảnh đất của mình cho việc chỉnh trang đô thị, góp phần mang lại môi trường sạch đẹp, văn minh cho đông đảo nhân dân Đồng Xoài cũng là việc có ý nghĩa trong học tập và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại”, bà Hoa chia sẻ.

“Công việc của trái tim”

Không chỉ là những nghị lực vượt lên bản thân, câu chuyện về hành trình rong ruổi suốt gần 10 năm trên khắp nẻo đường đất nước bằng xe máy của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt để khắc họa hơn 2.000 bức chân dung các mẹ VN anh hùng từ lâu đã khiến nhiều người xúc động, bởi những bức chân dung của các mẹ, như cách nữ họa sĩ 70 tuổi chia sẻ, “không phải chỉ là đặc tả gương mặt mà là đặc tả tâm hồn, là nỗi đau của các mẹ được lột tả trên gương mặt, qua những nếp gấp của thời gian”. Đó là một hành trình không hề dễ dàng với chính nữ họa sĩ, khi “mỗi mẹ là một câu chuyện bi hùng. Có nhiều mẹ, tôi vừa vẽ, vừa khóc. Khóc vì thương mẹ, vì câu chuyện quá đau thương. Có mẹ yếu quá, ngồi dậy không nổi mà đôi mắt vẫn ngóng trông vô vọng bóng dáng thân yêu của người con đi xa vẫn chưa về...”. Với họa sĩ Đặng Ái Việt, đó là hành trình, là công việc của trái tim, vì được gặp, trò chuyện, nắm tay, ôm hôn các mẹ là một niềm hạnh phúc.
Đó còn là câu chuyện ở Mái ấm Tín thác (xã Lộc Thanh, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) của các sơ hơn 10 năm qua đã bao bọc hơn 100 trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi. Sơ Hường (53 tuổi, tên thật Nguyễn Thị Hường), người lập ra Mái ấm Tín thác, chia sẻ rằng việc làm của mình là để cho cuộc đời này bớt đi những câu chuyện buồn, để cho những thân phận trẻ thơ côi cút có một chốn đi về. “Sinh thời Bác Hồ mong ước tất cả trẻ em VN có đủ cơm ăn áo mặc, được đến trường. Với những cháu bé chúng tôi đã và đang cưu mang, chúng tôi cùng chung nguyện ước đó, để mai này các cháu là những người lương thiện có ích cho đời, cho xã hội”, sơ Hường chia sẻ.
“Công việc của trái tim” đôi khi bắt nguồn từ suy nghĩ rất bình dị. Với tư cách là Bí thư Đảng ủy xã Việt Thành (H.Trấn Yên, Yên Bái), chị Lê Thị Lụa tin rằng “cứ làm việc hết lòng thì sẽ được cán bộ đồng thuận, nhân dân ủng hộ”. Vì vậy, chị đã tiên phong vận động gia đình hiến 2 sào ruộng cho phong trào nông thôn mới, để "việc hiến đất trở thành rất quen với người dân", từ đó đóng góp vào thành tích hiến 57.000 m2 đất để làm sân thể thao, nhà văn hóa thôn; làm mới 11 km đường bê tông; mở mới 9,3 km đường ra khu sản xuất... của xã Việt Thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.