Hơn 200.000 cơ sở dễ cháy nổ ở TP.HCM ngoài tầm kiểm soát

04/04/2017 10:00 GMT+7

Sáng 4.4, Thường trực HĐND TP tổ chức phiên giải trình về tình hình phòng chống cháy nổ ở TP.HCM.

Tham dự phiên giải trình có đầy đủ ban ngành HĐND, UBND, Ban giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP và quận, huyện.

Nhiều lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động kém hiệu quả

Trước câu hỏi về công tác phòng chống cháy nổ ở TP, đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC khẳng định TP.HCM vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao. Lý do TP có mật độ dân số đông, nhiều cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao xen cài trong khu dân cư; nhiều nhà ở kết hợp với kinh doanh, sản xuất (nhà phố) không đảm bảo an toàn PCCC, thiếu lối thoát nạn, thiếu phương tiện chữa cháy ban đầu, kỹ năng xử lý tình huống hạn chế. Còn một số khu dân cư có nhiều nhà dễ cháy nằm trong các hẻm sâu.

“Tình trạng sử dụng điện không bảo đảm an toàn trong khu dân cư, sử dụng nhiều nguồn năng lượng có công suất cao trong sản xuất cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ cháy nổ”, ông Bửu nói

Theo ông Bửu, TP có 300.000 doanh nghiệp và hộ sản xuất, hơn 1.000 nhà cao tầng từ 5 tầng trở lên, nhưng Cảnh sát PCCC chỉ quản lý trực tiếp theo quy định pháp luật trên 28.000 cơ sở.

Một vụ cháy nổ ở TP.HCM Thanh Vạn

Dù đạt được một số kết quả nhưng theo ông Bửu, lý do cháy nổ vẫn còn tăng cao là do người đứng đầu cơ sở, hộ nhà dân vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm; nhiều trường hợp còn vi phạm quy định PCCC; còn tình trạng đối phó, tránh né, chậm thực hiện an toàn PCCC…

Đáng chú ý lực lượng PCCC tại chỗ của nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định, hoạt động kém hiệu quả. Hệ thống tổ chức của các đơn vị Cảnh sát PCCC được bố trí theo địa giới cấp hành chính cấp quận, huyện nhưng hiện còn 6 quận, huyện chưa có đơn vị Cảnh sát PCCC đóng quân. Nhiều khu vực có bán kính bảo vệ trên 10 km không đảm bảo yêu cầu công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ.

Năm 2016, cháy nổ tăng 573 vụ so với năm 2015

Báo cáo của Cảnh sát PCCC TP, năm 2016, TP.HCM xảy ra 2.223 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ (tăng 573 tai nạn, sự cố; tăng hơn 35% so với năm 2015). Trong đó cháy có 1.960 vụ (tăng 433 vụ, tăng gần 29%). Các vụ cháy làm 9 người chết (giảm 1 người), bị thương 36 người (giảm 9 người); thiệt hại về tài sản ước tính gần 260 tỉ đồng (giảm hơn 165 tỉ đồng).

Tình hình cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ ở TP trong tháng 12.2016 và quý 1.2017 là 485 sự cố, giảm 358 vụ, tương ứng 42%.

Theo ông Bửu, hiện TP có hơn 200.000 cơ sở, hộ kinh doanh dễ xảy ra cháy nổ nhưng lại không do Cảnh sát PCCC TP kiểm soát.

Đây đa phần là hộ kinh doanh vừa lấy nhà để ở vừa sản xuất, kinh doanh và không đảm bảo đường cứu, thoát nạn, chủ nhà ở trên, hàng hóa để dưới, cửa chính thường 2-3 lớp trở lên nên khi cháy khó phát hiện và khó có đường thoát nạn. Vừa qua ở TP có nhiều vụ cháy xảy ra ở nhà dạng này.

 “Tình trạng sử dụng điện, câu mắc điện chưa có sự quản lý của cơ quan quản lý, trong dạng nhà kiểu này chưa đảm bảo an toàn cho người dân. Nguyên nhân cháy vừa qua dạng này chiếm hơn 65%”, ông Bửu nói.

Nguy cơ cháy nổ ở chợ Tân Bình cực cao

Trước câu hỏi về nguy cơ cháy nổ ở chợ Tân Bình (Q.Tân Bình), đại tá Trần Thanh Châu, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết chợ Tân Bình được xây dựng trước năm 1975 và hiện có hàng ngàn hộ kinh doanh. Ông Châu cho hay nguy cơ cháy nổ ở chợ Tân Bình cực cao. Thậm chí ngay tại thời điểm Ban Pháp chế HĐND TP đi kiểm tra, hệ thống PCCC ở chợ này không hoạt động vì không có kinh phí. Hiện đã có phương án di dời chợ Tân Bình nhưng chưa thực hiện được vì còn vướng mắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.