Hơn 24.000 người xin thôi quốc tịch Việt Nam trong 4 năm 2016 - 2020

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/03/2021 11:25 GMT+7

Báo cáo của Chủ tịch nước gửi tới Quốc hội cho biết, từ 7.2016 - 12.2020, có 24.370 trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch khác. Trong khi đó, có hơn 1.500 trường hợp xin nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa gửi tới Quốc hội báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước.
Báo của Chủ tịch nước cho hay, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chủ tịch nước đã quyết định cho 24.370 công dân được thôi quốc tịch Việt Nam, để nhập quốc tịch nước ngoài.

Các quốc gia, vùng lãnh thổ công dân Việt Nam cư trú sau khi xin thôi Quốc tịch Việt Nam

Ảnh Lê Hiệp

Theo thống kê, người Việt Nam xin thôi quốc tịch để nhập quốc tịch tại 28 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau.
Đồng thời, Chủ tịch nước cũng quyết định cho 1.598 người được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam.
Trong phụ lục thống kê về công tác quốc tịch kèm báo cáo gửi tới Quốc hội cho thấy, trong số hơn 24.370 người thôi quốc tịch Việt Nam thì có tới 10.245 người thôi để nhập quốc tịch Đài Loan (chiếm 42%).
Đài Loan cũng là nơi có số lượng công dân Việt Nam nhập quốc tịch nhiều nhất sau khi xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Tiếp đó, có 9.292 người xin thôi quốc tịch Việt Nam nhập quốc tịch Đức.
Ngoài ra, có 1.418 công dân Việt Nam xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch Hàn Quốc.
Một số quốc gia, vùng lãnh thổ nhiều người Việt Nam xin thôi quốc tịch để nhập quốc tịch mới là: Singapore (884 người), Nhật Bản (734 người), Hồng Kông (471 người), Nauy (450 người), Hà Lan (256 người), Áo (130 người), Lào (125 người), Mỹ (91 ngườ);...
Ngoài ra, có 85 trường hợp xin thôi quốc tịch nhưng không chuyển ra nước ngoài cư trú.
Trong tổng số 1.598 người từ 19 quốc gia, vùng lãnh thổ xin nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam, thì đông nhất là từ Lào, với 1.443 trường hợp (chiếm 90%).
Ngoài ra, các trường hợp từ Đài Loan có 63 trường hợp; những người không còn quốc tịch là 60 trường hợp; Ấn Độ là 8 trường hợp và Đức là 6 trường hợp.

Ký 145 điều ước quốc tế về ODA

Báo cáo của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho hay, từ 7.2016 đến 12.2020, Chủ tịch nước đã ký 145 điều ước quốc tế về ODA.
Chủ tịch nước cũng ký 103 điều ước quốc tế và trình Quốc hội phê chuẩn 8 điều ước quốc tế khác.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay, trong công tác điều ước quốc tế, Chủ tịch nước đã quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với tinh thần trách nhiệm cao, xem xét kỹ lưỡng và thận trọng việc ký kết các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền.
Đối với các điều ước quốc tế về tín dụng với các tổ chức tín dụng quốc tế (điều ước quốc tế về ODA), thực hiện nghiêm chủ trương chỉ vay cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; chỉ vay vốn cho các dự án thực sự cấp bách, cấp thiết, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, hướng tới mục tiêu giảm nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trong việc Chủ tịch nước quyết định ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ về trách nhiệm, thẩm quyền và quản lý trong quá trình triển khai, thực hiện cũng như trong đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA.
Từ đó, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét khả năng sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật có liên quan theo hướng giao toàn bộ nhiệm vụ và quyền hạn quyết định ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA cho Chính phủ thực hiện để nâng cao trách nhiệm quản lý và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong lĩnh vực này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.