Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Liên quan kế hoạch trên, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm cho biết tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 391.600 tỉ đồng, huy động nguồn lực từ ngân sách, tài trợ từ nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước và lồng ghép vào các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt.
Đề án ưu tiên nguồn lực triển khai các tuyến đường sắt đô thị và xe buýt nhanh, trong đó đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đưa vào khai thác tối thiểu 3 tuyến đường sắt đô thị (metro) và 1 tuyến xe buýt nhanh (BRT) trước năm 2030. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ và đưa vào khai thác tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), chuẩn bị và triển khai đầu tư tuyến metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn)... Đồng thời, chuẩn bị đầu tư các tuyến metro khác như tuyến số 2 giai đoạn 2, tuyến metro số 3a giai đoạn 1 (Bến Thành - Bến xe Miền Tây), metro số 4b (công viên Gia Định - Lăng Cha Cả); phối hợp Bộ GTVT triển khai đầu tư và đưa vào khai thác tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) - Long Thành đồng bộ với tiến độ xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai)...
TP.HCM cũng lập danh mục dự án đề xuất chủ trương đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 lĩnh vực vận tải hành khách công cộng với tổng mức đầu tư hơn 7.500 tỉ đồng nhằm hoàn thiện và nâng cao năng lực bến bãi phục vụ cho mạng lưới xe buýt toàn TP. Trong năm 2021, sẽ ưu tiên triển khai một số dự án như xây dựng điểm đầu mối trung chuyển hành khách xe buýt tại xã Phú Xuân (H.Nhà Bè), Bến xe buýt Hóc Môn, Bến xe buýt KCN Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh), tăng cường khả năng tiếp cận và kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga của tuyến metro số 1, cải tạo nâng cấp điểm dừng xe buýt ở một số quận nội thành.
Bình luận (0)