Đó là khẳng định của ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, trong cuộc trao đổi với Báo Thanh Niên nhân dịp sở này đón nhận Huân chương Lao động hạng ba ngày 8.1 vì “Đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2015 - 2019 trên địa bàn TP.HCM”.
Ông có thể cho biết những kết quả cụ thể của việc giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM để Sở được trao “giải thưởng” hết sức ý nghĩa này?
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM |
Cụ thể, trong giai đoạn 2014 - 2019, tai nạn giảm sâu cả 3 mặt. Điểm đen tai nạn đã giảm liên tục từ 22 đến nay còn 8 vị trí. Tình hình ùn tắc giao thông cũng đã được kiểm soát và giảm dần theo từng năm. Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông TP, năm 2014 chỉ xảy ra 1 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, giảm 2 vụ (66,67%) so với năm 2013; năm 2015 không xảy ra vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, so với năm 2014 giảm 1 vụ. Nếu như năm 2016 có 37 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông thì đến năm 2017 giảm còn 34 điểm, năm 2018 giảm còn 28 điểm và kết thúc năm 2019 giảm chỉ còn 22 điểm.
Một trong những giải pháp quan trọng để giảm ùn tắc giao thông là mở đường, làm cầu... Thế nhưng trong những năm qua, khá nhiều dự án trên địa bàn TP bị chậm tiến độ, vậy làm thế nào để giảm kẹt xe khi hạ tầng giao thông không được triển khai theo kế hoạch, thưa ông?
Đúng thế. Do nguồn vốn ngân sách TP đầu tư còn thấp so với nhu cầu thực tế, dẫn đến tiến độ đầu tư, nâng cấp mở rộng hạ tầng giao thông vận tải chưa đáp ứng theo quy hoạch, kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh đó, nhờ có những đột phá trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện đồng bộ, Sở GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm như: Cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; cầu vượt thép ngã sáu Gò Vấp; mở rộng đường Phan Văn Trị; hầm chui nút giao An Sương; hầm chui Mỹ Thủy; nút giao thông Đại học Quốc gia; xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, cầu kết nối giữa cầu Nguyễn Tri Phương với đường Võ Văn Kiệt (nhánh N4)... góp phần cải thiện giao thông trên địa bàn TP. Đặc biệt, về ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành giờ thông (giải pháp phi công trình) đã được TP áp dụng rất tốt, mang lại hiệu quả rất cao, đi đầu cả nước.
Ông có hài lòng với kết quả đã đạt được?
“Giải thưởng” này thể hiện sự ghi nhận của Chính phủ, các cấp lãnh đạo TP về nỗ lực của Sở GTVT cũng như các giải pháp tốt mang lại kết quả xuất sắc trong thời gian qua về giảm ùn tắc giao thông. Từ đó, tạo động lực để các đơn vị tiếp tục cố gắng, sáng tạo, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, có 2 nhiệm vụ lớn mà ngành giao thông TP vẫn chưa thực hiện tốt là phát triển hạ tầng và giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu của người dân và xứng tầm với một TP có mật độ dân số lớn nhất cả nước. Thực tế, hạ tầng dù có được ưu tiên đầu tư đến đâu thì cũng không thể chạy theo kịp để đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, TP xác định chìa khóa cho bài toán giao thông TP hiện nay chính là thúc đẩy giao thông công cộng phát triển.
Cụ thể kế hoạch thế nào, thưa ông?
Do nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan về cấu trúc đô thị, cơ cấu dân số, nguồn lực và chính sách, cơ chế..., việc phát triển GTCC tại TP.HCM thời gian qua còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên bắt đầu từ 2021, chắc chắn sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Trong năm nay, tuyến metro số 1 (MRT1) sẽ đưa vào vận hành thương mại và tuyến metro số 2 (MRT2) cũng sẽ được khởi công. Cả hai tuyến này sau khi hình thành sẽ góp phần giảm mạnh ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, kích thích phát triển đô thị dọc tuyến, tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và làm cơ sở phát triển cho các tuyến đường sắt đô thị khác (tuyến số 5, 3b, 4 và 6 ). Về lâu dài, vận tải hành khách khối lượng lớn (MRT, xe buýt nhanh...) sẽ đóng vai trò chủ đạo so với các loại hình khác.
Ngoài các dự án về đường sắt đô thị, TP cũng đang triển khai dự án Phát triển giao thông xanh, trong đó có đầu tư tuyến xe buýt nhanh số 1 (BRT số 1) dọc hành lang đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (từ vòng xoay An Lạc đến ngã ba Rạch Chiếc) với chiều dài 23 km. Dự kiến, công tác thẩm định và phê duyệt thiết kế chi tiết hoàn tất trong quý 1 này để hoàn thành và đưa vào vận hành tuyến BRT đầu tiên trong đầu năm 2022.
Đặc biệt, đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân” bao gồm 27 giải pháp thực hiện theo nguyên tắc “Kéo - Đẩy” đã được UBND TP phê duyệt, sẽ bắt đầu triển khai từ năm nay. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP sẽ mở rộng, tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt, đảm bảo kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, các tuyến vận tải khách khối lượng lớn, các phương thức vận tải khác. Các giải pháp về phát triển vận tải hành khách công cộng như đầu tư phương tiện, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách... sẽ tiếp tục được thực hiện. Đồng thời, thực hiện một số giải pháp làm cơ sở triển khai các giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân.
Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong giai đoạn 2021 - 2025, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ được cải thiện rất nhiều.
Các giải pháp phát triển giao thông công cộng nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đều được tổ chức phản biện rộng rãi trên diện rộng, ghi nhận ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo hạn chế sai sót trong triển khai thực hiện. Theo tôi, một chính sách khi được sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống với mục đích chính là phục vụ và cải thiện đời sống của người dân thì chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ và đồng thuận.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM
|
Bình luận (0)