Hòn Hải - hòn đá khổng lồ giữa biển

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
07/06/2019 16:33 GMT+7

Đảo Hòn Hải là điểm A6 đánh dấu đường cơ sở Việt Nam. Đây được xem như điểm xa nhất của đường viền nội thủy của nước ta ở vùng nam Biển Đông.

Đảo Hòn Hải được ghi tên trên hải đồ quốc tế là Poulo Sapate (Sapata, Sepate) cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) 60 km về phía đông nam, là điểm A6 trên đường cơ sở để tính lãnh hải Việt Nam, điểm xa nhất của đường viền nội thủy của nước ta ở vùng nam Biển Đông.
Anh Bùi Thanh Nam, cán bộ công ty bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ (Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, thuộc Bộ GTVT) là người đã có thâm niên bám trụ hàng chục năm trên Hòn Hải, cho biết: Đảo dài khoảng 130 m, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 60 m, điểm cao nhất là 113 m tính từ mặt biển.
Trước năm 2000, đảo hoang vu do không ai trèo lên được. Còn ngư dân, khi ra đánh cá mùa biển lặng, cũng chỉ ngước nhìn khối đá khổng lồ giữa biển, không có nước ngọt, cây cối và kể với nhau về “hòn đá khổng lồ” là nơi sinh sống của các loài chim biển, đông đến nỗi chỉ vỗ tay cũng bay túa lên, đen đặc vùng trời...
Rất hiếm hoi có lúc biển lặng sóng để tàu tiếp tế cập ngay cầu cảng chính của đảo Mai Thanh Hải
Năm 1999, Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh công binh khảo sát và xây dựng hạ tầng trên đảo Hòn Hải. Đoàn công tác của công binh, Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển (Quân chủng Hải quân) ra Hòn Hải phải bơi vào đảo và căng bạt, làm lán trại để thực hiện nhiệm vụ.
“Để lên mặt đảo, bộ đội phải đóng cọc sắt vào vách núi và bám tay trèo lên!”, anh Nam thán phục kể lại.
Giám đốc công ty bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ Bùi Đức Thắng lắc đầu: “Chỉ có bộ đội công binh mới chinh phục được Hòn Hải!” và liệt kê những khó khăn trong quá trình thi công: Năm 2001 phải nghỉ thi công 5 tháng vì sóng; năm 2002, việc thi công đình trệ trong 4 tháng; hết quý 1/2003 mới đưa được công binh lên đảo và 2 tháng mới bốc được một chuyến hàng; năm 2002, gần 540 tấn vật tư các loại bị sóng cuốn xuống biển và 1 trụ neo tàu bị phá hủy; hàng chục công nhân bị thương, suýt bị cuốn trôi...
Khi xây dựng các công trình trên bề mặt Hòn Hải, những người lính công binh phải đóng cọc sắt vào đá và kiên nhẫn leo lên. Những cọc sắt này hiện vẫn còn trên vách núi Mai Thanh Hải
Gần 5 năm, những người lính công binh đã hoàn thành căn nhà kiên cố dưới chân đảo, bến cập tàu rộng và nhất là đường hầm lên đảo. Ban đầu, công binh định làm đường chạy thẳng lên đảo, tuy nhiên do vách núi dựng đứng nên phải chuyển sang phương án đào hầm.
Ròng rã khoan đá, ăn ngủ trong lòng núi với những phương pháp thi công “độc nhất vô nhị”, con đường hầm dài 170 m đã trổ lên mặt đảo và tiếp tục được gia cố bằng bê tông cốt thép có mái vòm chống đá rơi.
Ngay sau đó, từng xẻng cát, viên gạch, bao xi măng, can nước ngọt cũng được gùi cõng trên lưng bộ đội, lên xây dựng con đường bê tông trên mặt đảo dài 107 m và các công trình phục vụ ngọn hải đăng có kết cấu bền vững, cao vút...
Phiến đá ghim vào nhà hải đăng, cung cấp 1 số thông tin về công trình trên đảo Mai Thanh Hải
Cuối năm 2004, trạm hải đăng Hòn Hải được chuyển giao cho công ty bảo đảm hàng hải Nam Trung Bộ quản lý - vận hành.
Đến nay, các công nhân hải đăng làm việc, sinh hoạt trên đảo với thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Mọi lương thực thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho các cán bộ công nhân đều phải chuyển ra từ đất liền theo các tàu tiếp tế hậu cần.
Nước ngọt được mang từ đất liền ra Mai Thanh Hải
Một số hình ảnh về đảo đá Hòn Hải, do PV Thanh Niên vừa thực hiện: 
Xuồng quân sự của bộ đội Hải quân tiếp cận Hòn Hải Mai Thanh Hải
Xuồng cập tàu tiếp tế và muốn lên đảo, phải đi cẩu tay đang vận chuyển hàng hóa lên đảo Mai Thanh Hải
 
Sóng quá to đã khiến cầu cảng bị đứt và đường cầu thang lên nhà chính bị sụt lở, phải leo cầu thang tạm bợ Mai Thanh Hải
 
Trung tâm của ngôi nhà hải đăng Mai Thanh Hải
Chỗ ở tạm bợ của công nhân hải đăng là đường hầm trong núi, khi sóng to gió lớn Mai Thanh Hải
Giường chiếu trong hầm Mai Thanh Hải
Hải đăng trên điểm cao nhất Hòn Hải Mai Thanh Hải
Đánh dấu điểm cơ sở A6 trên đỉnh Hòn Hải Mai Thanh Hải
Cờ Tổ quốc được dựng thành biểu tượng Mai Thanh Hải
Một chiếc thuyền của ngư dân Phú Quý áp sát đảo để đánh bắt Mai Thanh Hải
Chim biển nháo nhác bay khi thấy người lên đảo Mai Thanh Hải
Giàn năng lượng mặt trời trên đảo đã xuống cấp Mai Thanh Hải
Đường bê tông di chuyển trên bề mặt đảo Mai Thanh Hải
Chóp đuôi của đảo Hòn Hải Mai Thanh Hải
Sóng lớn đã khoét sâu dưới chân khu nhà chính trên đảo Mai Thanh Hải
Mộ gió của 2 người lính đã hy sinh trong khi xây dựng Hòn Hải Mai Thanh Hải
Những công nhân trạm hải đăng Hòn Hải ngẩn ngơ khi chia tay những người xuống tàu về lại đất liền Mai Thanh Hải
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.