Huyền thoại 'Ngựa thồ': Anh chị em và chúng tôi”

25/04/2017 07:02 GMT+7

Đại tá Lê Tiến Phước, trung đoàn phó đầu tiên của Lữ đoàn 919, gọi trạng thái những ngày đầu tiếp thu máy bay chiến lợi phẩm là “trần ai” và kể: “Có khi cả tuần lang thang khắp Sài Gòn cùng cán bộ an ninh quân đội tìm phi công chế độ cũ theo địa chỉ mà Cục 2 cung cấp”...

Ý tưởng từ Gia Lâm
83 tuổi nhưng vẫn còn chạy xe máy phom phom nên đại tá Lê Tiến Phước nhớ rất rõ: Cuối năm 1973, tôi là đại úy tiểu đoàn trưởng của Lữ đoàn 919, dẫn đầu đoàn phi công - thợ máy sang Trung Quốc nhận 4 máy bay IL-14, Li-2 của ta được mang sang đại tu bên đó. Máy bay của mình đã làm xong, nhưng phía Trung Quốc cứ bảo “từ từ rồi hãy về” và liên tục bố trí đi tham quan các địa phương, giao lưu suốt hai tháng trời.
Đầu tháng 1.1974, nghe tin Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, lại nghe từ bên mình chuẩn bị tiến công tổng lực giải phóng miền Nam, anh em mới nhận ra mưu đồ giữ chân phi công, làm giảm việc chuyên chở cho chiến dịch giải phóng, nên nhất quyết yêu cầu trả 4 chiếc máy bay vận tải về VN. Giữa năm 1974, máy bay và người hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm an toàn và lập tức làm các nhiệm vụ chuyên chở, tiếp tế ngày đêm vào sân bay Đồng Hới.
Trước khi chính thức làm nhiệm vụ tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 13.5.1975, đại úy Lê Tiến Phước đã bay Li-2 theo sau chiếc IL-18 số hiệu VN-195 chở Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng... vào thăm miền Nam và dự đại lễ mừng ngày thống nhất (15.5.1975). Ấn tượng của ông là: “Thành phố gì mà rộng khiếp” và hồi ức lưu giữ “chỗ đầu sân bay tan hoang do bị Phi đội Quyết Thắng dùng A-37 ném bom”. Giữa tháng 5.1975, khi đang bay vận tải vào Nha Trang thì ông Phước được Lữ đoàn 919 gọi về Gia Lâm làm đoàn trưởng, dẫn đầu đoàn 40 người vào tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất. “Lúc ấy mới biết mình sẽ được lái loại máy bay to, hiện đại C-130 của Mỹ để lại" - ông Phước kể.
Tìm người bên kia
Vào sân bay Tân Sơn Nhất, đại úy Phước chia ngay 4 tổ lái máy bay C-130 do 4 cơ trưởng phụ trách gồm: Lê Tiến Phước, Lê Văn Quyền, Nguyễn Đức Hiền, Tiêu Khánh Nha. Sau đó, ông Lê Tiến Phước phóng xe ra khu gia binh của phi đoàn 435, không quân chế độ cũ tìm phi công lái C-130. Mấy ngày liền không có kết quả, chỉ khi tìm được một nhân viên cơ giới C-130 tên Phước (là em vợ một chiến sĩ của Trung đoàn 917, vừa nhận ra ngay sau giải phóng), địa chỉ của các phi công C-130 đang ở lại mới dần tìm ra.
“Tôi nhớ nhất là tìm phi công tên Trác, trung tá phi công chế độ cũ. Gần tuần liền, cứ chiều là tôi và cậu trợ lý bảo vệ an ninh đến nhà ở đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám) ngồi chờ. Thấy chúng tôi kiên nhẫn, ông Trác đành xuất hiện. Khi tôi đặt vấn đề giúp quân giải phóng tiếp thu C-130, ông này đồng ý với điều kiện: Không phải đi cải tạo xa nhà. “Lúc ấy tôi nghiêm giọng: Nếu anh thực sự cải tà quy chính giúp bộ đội làm chủ C-130 thì tôi hứa danh dự sẽ coi anh là đồng bào VN” - ông Phước nói.
Sau đó, Trung đoàn phó 918 Lê Tiến Phước còn đến tận cư xá Bắc Hải tìm, vận động phi công tên Nhật lái C-130 và Ngọc lái C-47 ra trình diện. Tại nhà các phi công của chế độ cũ này, ông Phước còn kiêm luôn vai trò động viên gia đình và giúp đỡ mấy bao gạo, đồ hộp để họ yên tâm cho chồng vào lại Tân Sơn Nhất làm việc. Việc tìm kiếm phi công, nhân viên tổ bay, kỹ thuật còn lại sau đó dần dễ dàng hơn.
Lời kêu gọi đặc biệt
Đại tá Phan Tương, giám đốc đầu tiên của Tân Sơn Nhất sau ngày thống nhất đất nước, kể: 4 giờ sáng 1.5.1975, tôi có mặt tại sân bay Biên Hòa, nhận lệnh của tướng Lê Trọng Tấn: “Vào Tân Sơn Nhất khôi phục hoạt động, chuẩn bị đón tiếp lãnh đạo T.Ư vào thăm miền Nam”. Sáng 2.5, tôi có mặt tại sân bay, nhiệm vụ khôi phục hoạt động rất khẩn cấp, nhưng đội tiếp quản thiếu người có chuyên môn. Anh em từ bắc vào chỉ quen tiếp xúc với hệ thống kỹ thuật của Liên Xô, không hiểu tiếng Anh và nhất là sân bay Tân Sơn Nhất quá lớn, quá hiện đại.
Sau khi xin ý kiến cấp trên, 10 giờ sáng 2.5, ông Tương ra Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời kêu gọi: “Hỡi anh chị em đã làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Miền Nam đã giải phóng, Sài Gòn đã giải phóng. Anh chị em muốn trở lại làm việc cho hàng không, chúng tôi mời đến ghi danh và sẵn sàng tiếp nhận anh chị em”. Chỉ vài tiếng sau, đã có hơn 100 người tìm về sân bay đăng ký và lời đầu tiên họ được nghe là lời tâm tình của Giám đốc Phan Tương: “Tân Sơn Nhất bây giờ đã có chủ mới: Anh chị em và chúng tôi”. Chiều 2.5.1975, những nhân viên hàng không của chế độ cũ tập trung vào dọn dẹp, sửa chữa đường băng, tổ chức an ninh - an toàn, thiết lập hệ thống liên lạc và họ được cấp ngay giấy ra vào cổng sân bay tạm thời...
Buổi tối hôm ấy, ông Phan Tương gọi điện ra Hà Nội, báo cáo Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng Phòng không - Không quân rất ngắn gọn: “Từ ngày 3.5, Tân Sơn Nhất đón máy bay miền Bắc vào”. Sáng hôm sau, chiếc máy bay IL-14 của Lữ đoàn 919 chở nhóm cán bộ đầu ngành hàng không - không quân vào hỗ trợ Tân Sơn Nhất và pháo hoa mừng chiến thắng, lần đầu tiên hạ cánh xuống sân bay. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.