“Ngựa thồ” là bí danh của hoạt động vận tải quân sự do Trung đoàn không quân vận tải 918 - nay là Lữ đoàn không quân vận tải 918 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, thực hiện trên các máy bay C-130, C-119, C-47 mà không quân chế độ cũ để lại từ 30.4.1975. 42 năm qua, những chuyến “ngựa thồ” vẫn thầm lặng thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Ngạc nhiên sân bay… 2 đường băng
Đầu tháng 5.1975, những “phi công quân giải phóng” lần đầu tiên đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất đều sững sờ trước hàng chục chiếc C-130 khổng lồ bị bỏ lại. Họ không thể tưởng tượng nổi có những máy bay chở hàng trăm người, nhưng hiện đại hơn chiếc chuyên cơ duy nhất ở miền Bắc lúc bấy giờ là IL-18 do Liên Xô viện trợ năm 1970, thường chở lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi hội đàm quốc tế, công tác nước ngoài.
tin liên quan
Giữ độc lập cho bầu trời: Biên đội 'U ti ti'Ngay sau 30.4.1975, Không quân nhân dân VN đã tiếp thu hơn 1.000 máy bay cùng hệ thống vật chất, khí tài quân sự hầu như nguyên vẹn ở hơn 200 sân bay lớn nhỏ của Việt Nam Cộng hòa.
Đại tá Lê Văn Quyền (80 tuổi, hiện nghỉ hưu tại Tân Bình, TP.HCM) vẫn nhớ buổi trưa ngày 15.5.1975 theo chuyến bay vận tải IL-18 của Lữ đoàn 919 hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất làm nhiệm vụ tiếp quản các cơ sở hàng không dân dụng và không quân vận tải của chính quyền cũ. “Từ trên cao nhìn xuống, thấy ngợp trước sân bay rộng lớn, nhà chứa nằm lớp lớp và nhất là có những 2 đường băng, lên xuống thoải mái” - ông Quyền kể và cười: “Việc đầu tiên khi đặt chân xuống sân bay là chúng tôi chạy ùa ra sờ nền đường băng, đo nhà chứa và gật gù: Sân đỗ rộng rãi, chẳng bé tí như sân bay Gia Lâm”.
Sự ngạc nhiên càng lớn hơn khi đoàn cán bộ tiếp quản của Lữ đoàn 919 được bố trí ăn ở tại khu nhà dành cho phi công chế độ cũ, kề bên trại David. Những phòng ở được trang bị máy lạnh, ti vi, tủ lạnh... khiến các phi công giải phóng phải rất chật vật mới làm chủ được, nhờ sự trợ giúp của mấy anh em thợ điện chế độ cũ lò dò vào chỗ làm, xin lại đồ dùng cá nhân. “Ngày đầu, cả đoàn kéo nhau đi khám phá doanh trại, xem từ hội trường, nhà ăn, phòng đợi bay, phòng học tập cho đến hệ thống giải trí của phi công cũ. Xem xong ai cũng giật mình: Họ hiện đại và khác mình từ việc ăn uống, nghỉ dưỡng. Liệu mình có đủ sức làm chủ những khí tài hiện đại mà họ để lại” - ông Quyền hồi tưởng.
Bí ẩn “an ninh quân đội”
Ngày 21.5.1975, thiếu tướng Trần Sâm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 78/QĐ-QP thành lập cùng lúc 4 trung đoàn không quân 917, 918, 935, 937, sử dụng máy bay chiến lợi phẩm làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển phía nam Tổ quốc. Đại tá Lê Văn Quyền, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn không quân vận tải 918 (thời kỳ 1.1976 - 10.1978), khi nghỉ hưu là cán bộ Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu QĐND VN kể: Ngay khi vừa đặt chân vào Sài Gòn làm nhiệm vụ tiếp quản, chúng tôi đã tự hình thành khung cán bộ, hằng ngày đi kiểm tra, phân loại các máy bay - khí tài quân sự bỏ lại ở sân bay Tân Sơn Nhất rất tỉ mỉ, chi tiết.
Ngày 28.5.1975, tại cơ quan Bộ Tư lệnh tiền phương Quân chủng Phòng không - Không quân đóng trong sân bay Tân Sơn Nhất, thiếu tướng Lê Văn Tri - Tư lệnh quân chủng công bố quyết định thành lập Trung đoàn không quân 918 với trung đoàn trưởng là thiếu tá Hoàng Ngọc Trung (nguyên Tham mưu phó Lữ đoàn không quân 919), Chính ủy là thiếu tá Lê Văn Lạo (nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 919) và 2 trung đoàn phó là đại úy Lê Tiến Phước, Lê Văn Quyền.
Quân số thiếu, từ phi công cho đến nhân viên kỹ thuật nên trong cuộc họp nào, chỉ huy trung đoàn cũng xin cấp trên tăng cường. Gần 2 tháng sau, một số cán bộ chiến sĩ mới được bổ sung từ các đơn vị không quân đóng ngoài bắc để đảm nhiệm các việc thu hồi, hồi phục 76 máy bay vận tải quân sự bao gồm C-130, C-119, C-7A, C-47, DC-4.
tin liên quan
Giữ độc lập cho bầu trời: Thần tốc làm chủ máy bay hiện đại'Chúng tôi thực sự choáng ngợp khi đứng trước cả rừng máy bay chiến lợi phẩm hiện đại. Nếu không có phi công, nhân viên lưu dung, chúng tôi khó mà chuyển máy bay A-37 chứ đừng nói sử dụng thành thạo', phi công Lê Hải nói.
Đến cuối tháng 6.1975, Trung đoàn 918 mới chính thức hình thành 2 đội bay và 1 đội thợ máy. Đội bay 1 sử dụng các loại máy bay vận tải quân sự C-119 và C-7A do thượng úy Lê Năng là đội trưởng. Đội bay 2 toàn máy bay C-130, C-47 và DC-4 do thượng úy Mai Văn Bảy phụ trách. Riêng đội thợ máy, phải bảo đảm kỹ thuật cho các loại máy bay mới thu hồi.
19 giờ ngày 5.7.1975, lễ ra mắt chính thức Trung đoàn 918 diễn ra với sự tham gia của đại tá Đào Đình Luyện, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân; đại tá Nguyễn Xuân Mậu, Phó chính ủy quân chủng. Tại buổi lễ này, đại tá Đào Đình Luyện giao nhiệm vụ ngắn gọn: “Các anh phải phối hợp Cục Kỹ thuật Phòng không - Không quân và xưởng A41 để kiểm tra, đánh giá chất lượng và phân loại máy bay, chuẩn bị cho nhiệm vụ chuyển loại sử dụng” và bật mí: “Cục An ninh quân đội của Bộ Quốc phòng và Cục Tình báo quân đội (Cục 2) sẽ giúp các anh việc này. Cứ yên tâm!”. (Còn tiếp)
Bình luận (0)