Khai mạc hội nghị T.Ư 3: Lấy phiếu giới thiệu 23 chức danh lãnh đạo Nhà nước

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/07/2021 06:14 GMT+7

Phát biểu khai mạc Hội nghị T.Ư 3 khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết hội nghị lần này T.Ư sẽ thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng

Hội nghị T.Ư 3 sẽ không bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, 24 chức danh lãnh đạo đã thực hiện tại Hội nghị T.Ư 2, mà chỉ lấy phiếu 23 chức danh chưa lấy phiếu và có thay đổi so với hội nghị trước đó.

Xây dựng Kế hoạch KT-XH 2021 - 2025

Sáng 5.7, phát biểu khai mạc Hội nghị T.Ư 3 khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết hội nghị lần này T.Ư sẽ thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng như: Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 5 năm 2021 - 2025; xem xét, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhiệm kỳ khóa XIII; Quy định thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ khóa XIII; tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội (QH) khóa XV để QH bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV; và một số vấn đề quan trọng khác.
Theo thông tin từ Văn phòng T.Ư Đảng, sáng 5.7, Hội nghị T.Ư 3 khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Sau phát biểu khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc.
Trong buổi sáng, hội nghị đã nghe Tờ trình của Bộ Chính trị về Chương trình làm việc của Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII; Tờ trình của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; Tờ trình của Bộ Chính trị về dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII; Tờ trình của Bộ Chính trị về dự thảo Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XIII; Tờ trình của Bộ Chính trị về dự thảo Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Tờ trình của Bộ Chính trị về dự thảo Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Buổi chiều, T.Ư làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025, theo Tổng bí thư, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhất trí cao đề ra Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025. Tổng bí thư đề nghị T.Ư căn cứ vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tờ trình, các báo cáo, tài liệu tham khảo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, cũng như thực tiễn tình hình ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình KT-XH hiện nay và phân tích, dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới.
Tổng bí thư lưu ý các đại biểu chú ý phân tích, đánh giá thật sâu sắc, làm rõ thêm thực tế tình hình. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, cả nước vẫn phải tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống dịch; đợt bùng phát dịch lần thứ 4 lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát, có thể còn tiếp tục kéo dài; thậm chí, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới. KT-XH đất nước tuy tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp nhiều khó khăn. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại nhưng cũng chưa thật vững chắc...
Tổng bí thư đề nghị T.Ư cho ý kiến vào các vấn đề lớn nêu trong tờ trình và các báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, nhất là những vấn đề quan trọng thuộc về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo còn có ý kiến khác nhau.

Bổ sung, sửa đổi trách nhiệm, quyền hạn Bộ Chính trị, Tổng bí thư

Về xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Tổng bí thư nhấn mạnh, cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị; đổi mới, cải tiến chế độ, lề lối làm việc, phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ và phù hợp; tránh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót việc. “Đây là các cơ sở quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đảng, tăng cường sức mạnh, kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Tổng bí thư cũng đề nghị T.Ư tập trung cho ý kiến và góp ý trực tiếp vào dự thảo các quy chế, nhất là những nội dung cần bổ sung, sửa đổi. Chẳng hạn, các nội dung về trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư; của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH, Thường trực Ban Bí thư...
Đối với Quy định về thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Tổng bí thư cho biết Đại hội XIII quyết định không sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng và giao T.Ư khóa XIII chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu để điều chỉnh, thông qua các quy định, hướng dẫn của T.Ư tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thi hành nghiêm, thống nhất Điều lệ trong toàn Đảng.
Từ đó, Tổng bí thư đề nghị T.Ư nghiên cứu kỹ và có ý kiến, góp ý vào dự thảo các quy định được trình tại hội nghị lần này. Đặc biệt là những nội dung mà qua thực tiễn thi hành còn có những vướng mắc, bất cập, nhất là các vấn đề cụ thể phát sinh từ cơ sở, từ các chi bộ, đảng bộ.

Tiếp tục giới thiệu nhân sự để quốc hội bầu, phê chuẩn

Tại Hội nghị T.Ư 2 khóa XIII (tháng 3.2021), Ban Chấp hành T.Ư đã thống nhất cao là cần sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau đại hội để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ban Chấp hành T.Ư đã xem xét, quyết định giới thiệu nhân sự các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH và cho ý kiến giới thiệu nhân sự đảm nhiệm 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước. Tại kỳ họp thứ 11, QH khóa XIV (tháng 3 - 4.2021), QH đã bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH và bầu hoặc phê chuẩn đối với 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước.
Đến nay, sau cuộc bầu cử QH khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026), Ban Chấp hành T.Ư có trách nhiệm chuẩn bị và tiếp tục giới thiệu nhân sự để QH khóa XV bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất sắp tới theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Tại hội nghị này, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành T.Ư xem xét, giới thiệu nhân sự theo hướng: đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH và 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước đã được Hội nghị T.Ư 2 khóa XIII bỏ phiếu giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao thì Ban Chấp hành T.Ư không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại. Đối với 23 chức danh còn lại chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị T.Ư 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước, Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến T.Ư bằng phiếu trước khi chính thức giới thiệu để QH xem xét bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV.
Theo kế hoạch, Hội nghị T.Ư 3 khóa XIII diễn ra từ ngày 5 - 9.7.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.