Tham dự hội nghị có hơn 200 đại biểu gồm các quan chức cao cấp (SOM) của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đại diện Ban Thư ký ASEAN, Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương và Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC).
Hội nghị rà soát lại kết quả đạt được trong hơn 11 tháng triển khai các hoạt động của năm APEC 2017 và hoàn tất công tác chuẩn bị về mọi mặt: chương trình nghị sự, nội dung văn kiện và các vấn đề liên quan của Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Trong bài phát biểu khai mạc, chủ trì hội nghị - Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ nỗi đau và cầu chúc bình an cho người dân các tỉnh miền Trung phải hứng chịu cơn bão vừa qua. Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn khẳng định trong tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phục hồi vững chắc hơn, các nền kinh tế thành viên đều nỗ lực để đạt nhiều kết quả quan trọng, giữ đà hợp tác và đạt đồng thuận trên nhiều vấn đề, góp phần triển khai chủ đề và 4 ưu tiên hợp tác của năm 2017 cũng như các chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn đang triển khai.
tin liên quan
Bắt đầu Tuần lễ cấp cao APECTuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 bắt đầu hôm nay 6.11 bằng Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp (CSOM).
Hai sáng kiến của VN được ủng hộ mạnh mẽ
Chủ tịch SOM cho biết hội nghị có hai mục đích chính. Đầu tiên là đánh giá tiến triển của hợp tác APEC trong năm 2017 cùng những kết quả sẽ được báo cáo lên các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Kế đến là hoàn tất các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. “Tôi mong quý vị hãy xem cuộc họp này như một phương tiện để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, tạo được sự đồng thuận tốt đẹp cho các bộ trưởng và lãnh đạo các nền kinh tế thành viên trong các cuộc họp sắp tới”, ông nói.
Trả lời Thanh Niên, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết trong phiên sáng 6.11, các nền kinh tế đều ủng hộ mạnh mẽ hai sáng kiến quan trọng của VN là khuôn khổ về phát triển nhân lực trong kỷ nguyên số và chương trình hành động để phát triển bền vững bao trùm trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội. “Sự ủng hộ của các nền kinh tế đã cho thấy lợi ích của các nền kinh tế trong khu vực và của VN rất phù hợp với nhau. Chúng ta đang trong quá trình đổi mới cải cách cơ cấu kinh tế và chuẩn bị ứng phó trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hai khuôn khổ chương trình hành động này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình nỗ lực cải cách của chúng ta trong thời gian tới”, ông nói.
tin liên quan
[INFOGRAPHIC] Hỏi nhanh đáp gọn về APECInfographic 'Hỏi nhanh đáp gọn về APEC' cung cấp những thông tin nền về Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam “phát triển bao trùm” trước cách mạng công nghiệp 4.
Bên lề Hội nghị CSOM, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn riêng (ảnh):
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, điều đó có nghĩa là khoảng cách về giàu nghèo, về phát triển giữa các nền kinh tế APEC sẽ càng xa và nhanh hơn. Làm thế nào để những nền kinh tế như VN có thể theo kịp? Chính vì thế mà sáng kiến của chúng ta về phát triển bao trùm kinh tế, tài chính, xã hội sẽ giúp cùng chia sẻ với các nền kinh tế trong khu vực về kinh nghiệm, các bước đi, biện pháp để cuốn hút được các thành phần kinh tế, các tầng lớp người dân cùng tham gia vào phát triển kinh tế, xã hội. Trên cơ sở đó, những lợi ích của phát triển bao trùm sẽ được chia sẻ đồng đều cho các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân. Như vậy, tôi cho rằng đó là bước đi cụ thể giúp chúng ta trong quá trình ứng phó trước sự tiến vào của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như quá trình toàn cầu hóa diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay.
VN đã xác lập vai trò của DN tư nhân là động lực phát triển. Ngân hàng Thế giới cũng vừa công bố báo cáo về năng lực cạnh tranh quốc gia, ở đó VN tăng hạng mạnh mẽ. Ông có nhận định gì về những tín hiệu này? Khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% tại hầu hết các nền kinh tế APEC, trong đó có VN. Chúng ta phải thấy đây là động lực, là nguồn phát triển trong thời gian tới. Các nền kinh tế đều đánh giá rất cao vị thế và quá trình đổi mới, cải cách của VN thời gian qua đã tạo môi trường kinh doanh rất thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Đây cũng là kinh nghiệm chúng ta chia sẻ với các nền kinh tế APEC.
Cạnh đó, Tuần lễ cấp cao APEC lần này có sự tham dự của khoảng 2.000 tổng công ty, tập đoàn kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới cũng như công ty, tập đoàn VN để chia sẻ lẫn nhau. Với môi trường kinh doanh thông thoáng thuận lợi của VN hiện nay, chắc chắn các công ty, tập đoàn nước ngoài này sẽ nhận được sự quan tâm của cộng đồng DN trong nước. Trên cơ sở đó, họ sẽ đồng hành cùng DN VN trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Lam Yên (thực hiện)
|
Bên lề
Máy bay hậu cần Mỹ, Nga đến Đà Nẵng. Khoảng 13 giờ ngày 6.11, máy bay vận tải C-17 Globemaster III số hiệu 5150 của không quân Mỹ đã đáp xuống sân bay Đà Nẵng (ảnh 1) mang theo nhiều thiết bị và phương tiện để chuẩn bị cho Tổng thống Donald Trump dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 vào ngày 10.11. Máy bay đã vận chuyển trực thăng Marine One cùng một số phương tiện đảm bảo an ninh và đội hậu cần. Boeing C-17 là máy bay vận tải quân sự cỡ lớn, có chiều dài thân 53 m, sải cánh rộng 51,75 m; có khả năng chở đến 78 tấn hàng hóa.
Khoảng 17 giờ 30 cùng ngày, máy bay vận tải Il-76 của Nga phục vụ công tác hậu cần cho Tổng thống Vladimir Putin cũng hạ cánh (ảnh 2) , được cho là vận chuyển những phương tiện, thiết bị cần thiết cho chuyến làm việc của nhà lãnh đạo tại Đà Nẵng vào ngày 10.11. Il-76 được thiết kế để vận chuyển binh lính, thiết bị kỹ thuật nặng, dài 46,6 m, cao 24,76 m, sải cánh 50,5 m, khả năng chuyên chở 52 tấn. (Hoàng Sơn)
Chung tay vì APEC. Ngày 6.11, thêm nhiều lực lượng ở Đà Nẵng ra quân dọn dẹp sau mưa lũ, nỗ lực trả lại cảnh quan để phục vụ APEC. Ở khu vực biển Q.Sơn Trà, không chỉ lực lượng Cảnh sát PCCC gia cố lại các công trình tốc mái, nghiêng ngả do bão mà hình ảnh học sinh, sinh viên địa phương chung tay dọn rác tấp vào các bãi biển cũng được cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều. (Nguyễn Tú) “Giao thông VN không đáng sợ”. Chia sẻ bên lề Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017, nhiều đại biểu thanh niên từ các nền kinh tế khác đều bày tỏ mong muốn được thưởng thức phở VN ở những hàng quán mà người dân địa phương thường ăn, để được trải nghiệm đúng khẩu vị ẩm thực bản xứ. Một điều bất ngờ là nhiều đại biểu cho biết giao thông ở VN cũng không có gì đáng sợ. Cô Catalina Villanueva Matar (Mexico, ảnh) chia sẻ rất ngạc nhiên vì giao thông VN không đáng sợ như những gì từng nghe! (An Dy - Đặng Sinh) |
Bình luận (0)