Tiêu điểm TPP 11 tại APEC

05/11/2017 07:30 GMT+7

TPP 11 đang ngày càng có triển vọng ra đời sau khi các thành viên thu hẹp được nhiều bất đồng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC.

TPP 11 là tên gọi của thỏa thuận thương mại giữa 11 thành viên còn lại của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ chính thức rút ra hồi đầu năm 2017. Từ cuối tháng 5, đại diện 11 nước đã bắt đầu tiến hành đàm phán. Sau vòng thảo luận mới nhất diễn ra tại thành phố Urayasu, Nhật Bản, từ 30.10 - 1.11, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto cho biết tất cả đều tỏ ý muốn đạt được tiến triển và kết quả tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại VN.
“Đà tiến tới một hiệp định mới tại hội nghị ở Đà Nẵng đã tăng lên đáng kể”, Reuters dẫn lời ông Umemoto cho biết. Trước vòng đàm phán nói trên, các bên vẫn xem xét về việc ngừng thực thi các điều khoản từ 50 phần của hiệp định về pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực khác. Dù không tiết lộ chi tiết, ông Umemoto xác nhận đại diện đàm phán của 11 nước “đã đạt sự thống nhất” về việc đóng băng một số điều khoản đồng thời rút lại một số yêu sách trước đây. Trong đó, New Zealand chấp thuận không yêu cầu đàm phán lại từ đầu liên quan tới kế hoạch kiềm chế nhà đầu tư ngoại mua bất động sản của nước này.
Hiện dù lạc quan nhưng các bên vẫn còn tỏ ra thận trọng về triển vọng của TPP 11 trong tương lai gần. Phía Canada cho rằng cần đảm bảo tất cả điều khoản trong TPP 11 không ảnh hưởng tới quá trình đàm phán sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico. Ngoài ra, một số vấn đề được cho là còn nhiều khác biệt bao gồm điều khoản giải quyết xung đột giữa nhà đầu tư và chính quyền, các vấn đề về lao động và môi trường, theo tờ Nikkei Asian Review.
Dự kiến, bên lề Hội nghị APEC tại Đà Nẵng, các bộ trưởng TPP 11 sẽ bàn bạc, sau đó là cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo 11 nước thành viên. Nhật Bản được cho là sẽ nỗ lực tiếp tục đóng vai trò đầu tàu gắn kết trong các cuộc đàm phán cũng như sắp xếp thảo luận song phương giữa các thành viên để thu hẹp bất đồng. Trưởng đoàn Umemoto còn nhấn mạnh việc TPP 11 ra đời và có hiệu lực sẽ là thông điệp mạnh mẽ để Mỹ cân nhắc quay lại thỏa thuận chiến lược này. Nếu thật sự có thể ra đời, TPP 11 sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất toàn cầu, kết nối 11 nền kinh tế thành viên với tổng GDP lên đến hơn 12 ngàn tỉ USD.
Sẽ cần nhiều thời gian
Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Văn Lịch, Trưởng khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao, nhận định TPP sẽ hồi sinh với 11 thành viên, nhưng quá trình đàm phán sẽ tương đối khó khăn và lâu dài. PGS Lịch phân tích: “Vai trò của TPP vẫn rất lớn và mang lại nhiều lợi ích cho các nước thành viên. Sau khi vòng đàm phán đa phương Doha của WTO sụp đổ, các nước cần một thỏa thuận để kết nối song phương hoặc khu vực. TPP đáp ứng được nhu cầu ấy”. Sở dĩ trước đây tình hình TPP “căng” là bởi cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Giờ đây, sau khi Mỹ rút khỏi thì các nước còn lại không bị vướng bận bởi những lý do nhạy cảm và cơ hội cho TPP trở nên rộng mở hơn với mong muốn hợp tác của các bên. “Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng sau những diễn biến mới thì Trung Quốc, Ấn Độ cũng có thể tham gia. Mặc dù vậy, TPP 11 sẽ cần nhiều thời gian đàm phán. Hiện nay, 11 thành viên còn lại gần như không có nước nào nổi trội hẳn, nên để đạt được thỏa thuận cuối cùng các bên cần bàn bạc nhiều hơn”, ông nhận định.
Cũng theo PGS Lịch, chưa thể kỳ vọng bước tiến đáng kể tại Hội nghị APEC lần này. Một thỏa thuận thương mại với nhiều điểm còn bất đồng không thể nóng vội ra đời chỉ trong mấy ngày họp bàn mà phải qua nhiều vòng đàm phán nữa để thống nhất các điều khoản. Ngoài ra, viễn cảnh Mỹ quay lại TPP trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump rất khó vì nhà lãnh đạo này là người vô cùng kiên quyết với tuyên bố của mình. Không phải ông không nhìn nhận được vai trò của TPP mà là đã đánh giá và tính toán rất kỹ thiệt hơn với nước Mỹ, theo PGS Lịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.