Như Thanh Niên thông tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông vừa thi hành kỷ luật khiển trách 3 cán bộ nguyên là lãnh đạo TAND H.Đắk Song vì để cấp dưới lập khống 57 bộ hồ sơ vụ án dân sự không có đương sự, không có tranh chấp thực tế, trong đó có trực tiếp giải quyết một số hồ sơ, vi phạm quy định của bộ luật Tố tụng dân sự.
Các cán bộ bị khiển trách gồm Chánh án TAND H.Tuy Đức - nguyên Chánh án TAND H.Đắk Song; Phó chánh án TAND H.Krông Nô - nguyên Phó chánh án TAND H.Đắk Song và một thẩm phán TAND H.Tuy Đức - nguyên thẩm phán TAND H.Đắk Song. Những cán bộ nói trên hiện vẫn nắm giữ vị trí quan trọng trong ngành tòa án.
Mức kỷ luật không đủ tính răn đe
Phản hồi thông tin trên, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ sự bức xúc, cho rằng mức kỷ luật khiển trách trong vụ việc là không đủ tính răn đe. “Kỷ luật khiển trách là quá nhẹ. Cán bộ ngành tư pháp mà để cấp dưới lập khống 57 bộ hồ sơ vụ án dân sự không có đương sự, không có tranh chấp thực tế thì phải hiểu thế nào?”, BĐ Văn Tuấn bức xúc. Tương tự, BĐ Hương Nguyễn viết: “Không thể tin được đây là mức kỷ luật đối với hành vi lập khống hồ sơ”.
Trong khi đó, BĐ Thanh Tuấn thẳng thắn: “Thật không thể tưởng tượng được chuyện gian dối này lại diễn ra ở ngành tòa án, nơi mà phải bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý. Bệnh thành tích quá nặng hay còn gì khác thì cơ quan chức năng điều tra sẽ rõ. Với sai phạm nghiêm trọng như vậy mà chỉ dừng lại ở mức kỷ luật khiển trách thì liệu người dân sẽ nghĩ thế nào về ngành tòa án?”.
Đồng quan điểm, BĐ Hà Mi ý kiến: “Làm luật, thi hành pháp luật mà còn có những hành vi gian dối, biến không thành có thì không thể chấp nhận. Đề nghị cơ quan cấp cao hơn vào cuộc để khách quan, minh bạch, nghiêm minh”.
Khen thưởng, kỷ luật phải công minh
Nhiều ý kiến cho rằng trong công tác khen thưởng, kỷ luật phải công minh. Ai có công thì được biểu dương, khen thưởng, vi phạm phải bị kỷ luật thích đáng.
“Việc kỷ luật không phải để hạ thấp hay nhằm triệt hạ một ai đó, mà qua đó để người vi phạm nhìn thấy khuyết điểm mà sửa chữa, đồng thời mang tính răn đe các trường hợp khác. Muốn vậy mức kỷ luật phải nghiêm minh, tương xứng với sai phạm gây ra. Trong trường hợp này, tôi cho rằng nếu chỉ khiển trách thì chưa thuyết phục, người dân làm sao còn tin vào sự nghiêm minh của một cơ quan tòa án cầm cân nảy mực với những cán bộ như vậy?”, BĐ Tấn Sỹ viết. Tương tự, BĐ Đức Hậu cho rằng: “Những cán bộ này vẫn giữ những trọng trách trong ngành tòa án thì họ sẽ công minh ra sao khi xét xử, thi hành công vụ? Phải chấn chỉnh và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm hơn”.
“Tòa án là nơi tôn nghiêm, là nơi thực thi pháp luật của nhà nước. Biết luật, hiểu luật, là cơ quan tư pháp mà lại vi phạm pháp luật thì càng cần xử lý nặng hơn. Theo tôi, những người gian dối không nên để làm việc trong ngành tư pháp”, BĐ Trúc Phương đề nghị. Còn BĐ Nguyen Hung ngắn gọn: “Hành vi gian dối công khai ngay cả ở chốn pháp đình thì phải xử lý thật nghiêm để giữ niềm tin trong dân”.
Cán bộ tòa án làm giả hồ sơ vụ án nhưng chỉ khiển trách, nghe cứ hài hài sao ấy? Kỷ luật như vậy thì răn đe chỗ nào?
Ka Nguyen
Tôi cho rằng đây là sai sót rất nghiêm trọng trong cơ quan tư pháp, phải xử lý thật nghiêm.
Văn Tuấn
Coi thường phép nước, làm mất lòng tin của dân, phải xử lý thật nghiêm chứ không thể kỷ luật qua loa.
Trúc Ly |
Bình luận (0)