Buổi lễ còn có sự tham gia của các phó thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam cùng Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính; nhiều đại sứ và các đại diện tổ chức quốc tế tại VN.
Xu thế tất yếu
|
“Muốn xây dựng thành công nền kinh tế số và xã hội số thì trước tiên phải có Chính phủ số mà khởi đầu là e-cabinet”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh và cho rằng lợi ích của e-cabinet không chỉ dừng lại ở tiết kiệm thời gian họp hành, mà còn ở yêu cầu nội dung công việc phải được chuẩn bị tốt hơn cả về chất lượng và thời hạn để các thành viên tham dự có thể nghiên cứu trước, cho ý kiến.
Thủ tướng cũng lưu ý việc chuyển sang một phương thức làm việc mới bao giờ cũng có nhiều điểm bỡ ngỡ. Từ đó, Thủ tướng đề nghị cần có khung cơ sở pháp lý để e-cabinet hoạt động có hiệu lực, hiệu quả như: quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, xác thực điện tử, chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính của chính phủ, của nhà nước. Cùng với đó, hạ tầng thông tin phải được củng cố, bảo đảm sự thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành rà soát, kiến nghị sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan phù hợp với phương thức làm việc trên môi trường điện tử cũng như hoàn chỉnh phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc trong nội bộ hiện nay.
Sau thời gian sử dụng thử nghiệm, cần đánh giá toàn diện hệ thống e-cabinet; báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Thủ tướng khuyến khích các bộ, địa phương nghiên cứu áp dụng mạnh mẽ hơn hệ thống công nghệ thông tin phổ cập hiện nay để hạn chế tối đa chậm trễ; hạn chế tiếp xúc giữa các cá nhân, cơ quan đơn vị với người, đơn vị giải quyết công việc; đẩy mạnh thanh toán điện tử; xây dựng ngay cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung... Đây là những việc tiếp tục triển khai trong việc xây dựng Chính phủ điện tử.
Giảm 30% cuộc họp
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, mục tiêu cụ thể của e-cabinet đã được xác định là giảm thời gian các phiên họp Chính phủ; phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước. Cố gắng đến hết năm 2019 đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp (trừ văn bản mật).
E-cabinet khi đưa vào hoạt động sẽ hỗ trợ đắc lực cho các phiên họp Chính phủ khi đầy đủ các chức năng như: cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp; quản lý phiên họp (từ thành phần, nội dung chương trình; phát biểu, thảo luận, tham gia ý kiến, chỉnh sửa dự thảo văn bản, biểu quyết điện tử (có xác thực chữ ký số) của các thành viên Chính phủ. Thành viên Chính phủ vắng mặt tại phiên họp có thể tham gia ý kiến và biểu quyết thông qua thiết bị di động. E-cabinet cũng bao gồm chức năng hỗ trợ xử lý công việc của Chính phủ; quản lý việc gửi phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, nhắn tin điện thoại SMS, gửi email thông báo đến các thành viên Chính phủ, các thành phần dự họp Chính phủ, tự động cảnh báo, nhắc quá hạn cho thành viên Chính phủ và bộ phận tham mưu, giúp việc khi có nội dung quá hạn cho ý kiến...
Ông Dũng đặc biệt lưu ý rằng, với hệ thống e-cabinet (do Tập đoàn Viettel xây dựng và Văn phòng Chính phủ thuê lại), phải bảo đảm an toàn thông tin; bảo mật cao; sử dụng các mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ trong lưu trữ, truyền dữ liệu; đảm bảo an toàn hạ tầng mạng; máy chủ; ứng dụng và dữ liệu trên cả hệ thống web hay ứng dụng trên máy tính bảng...
Ngày 24.6, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật VN”.
Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ sẽ có những chỉ đạo mang tầm chiến lược về chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh CMCN 4.0, để hướng tới một VN số (e-Vietnam).
“Cần ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới. Không vì lý do không quản lý được về công nghệ mà cản trở việc ứng dụng công nghệ mới mà phải kịp thời nâng cao năng lực quản lý, theo kịp với những biến chuyển rất nhanh của tình hình mới”, Thủ tướng lưu ý.
Thái Sơn
|
Bình luận (0)