Không dễ làm giàu như những lời có cánh

12/06/2020 06:11 GMT+7

Nhiều bạn đọc 'vừa giận, vừa thương' trước thực trạng hàng loạt sinh viên tham gia hoạt động của một nhóm có tên 'team khởi nghiệp 360', sau đó xin gia đình số tiền lớn để 'du học', rồi cắt đứt mọi liên lạc với gia đình...

Bài điều tra Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên (SV) “mất tích” đăng trên Báo Thanh Niên thông tin việc một số gia đình liên hệ với tòa soạn để kêu cứu về những trường hợp con em mình “bỗng dưng” mất tích.
Đa phần những SV “mất tích” vừa bước vào ngưỡng cửa đại học (ĐH). Ít nhất 4 trường hợp nữ SV mất tích mà PV Thanh Niên xác minh đều có nhiều biểu hiện bất thường, như: đem hồ sơ học bổng (giả) cho gia đình xem, rồi xin hàng trăm triệu đồng để... du học. Thực chất, những SV này đang sinh hoạt trong những nhóm “học cách khởi nghiệp”, “học cách làm giàu”... ở TP.HCM.

Nếu dễ kiếm ăn, họ không chọn bạn là người hưởng

Khi đọc được những thông tin trong bài điều tra của Báo Thanh Niên, bạn đọc (BĐ) Quốc Tuấn nhớ lại câu chuyện 10 năm trước khi mới vào TP.HCM học ĐH: “Năm nhất ĐH, tôi đã được các anh chị chung nhà trọ cảnh báo về đa cấp. Tôi đã nhiều lần được rủ rê, nhưng may mắn được cảnh báo trước nên không vướng vào. Hai năm trước, cháu tôi đang học năm 3 ĐH thì nhà trường gọi về gia đình báo cháu đã bỏ học một năm, nhưng vẫn xin tiền ăn ở trọ, học phí... Gia đình tá hỏa tức tốc lên Sài Gòn điều tra, thì ra cháu cũng bị dụ dỗ tham gia nhóm “khởi nghiệp làm giàu”. Tôi khuyên các bạn SV nên suy nghĩ cho sáng suốt. Tiền không dễ kiếm, dễ làm giàu như những lời có cánh của bọn lừa đảo”, BĐ Quốc Tuấn chia sẻ.
BĐ Đình Cúc cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Chủ yếu họ nhắm vào đối tượng là SV, mới từ quê lên, nhẹ dạ, dễ mắc lừa. Nhưng phải nhận thức được, nếu dễ kiếm ăn như vậy họ sẽ không chọn bạn là người hưởng đâu. Không ai cho không ai cái gì. Cái gì cũng bỏ sức lao động mà có thôi...”. BĐ Huỳnh Duy Nghĩa cho rằng đây là hoạt động biến tướng của kinh doanh đa cấp. Người tham gia không được trang bị đầy đủ kiến thức và có nghị lực, ý chí để vượt qua lòng tham muốn “mau giàu”...
Lăng kính Bạn đọc: Không dễ làm giàu như những lời có cánh1

Thông báo học bổng với chữ ký được xác định giả mạo

Cần nhanh chóng xử lý nghiêm

Nhiều BĐ cũng khẳng định không có con đường nào giàu nhanh. Do vậy, hãy học để tích lũy kinh nghiệm, làm kiến thức nền hướng đến tương lai, không vội vã để sập bẫy; hãy loại bỏ suy nghĩ, loại bỏ những câu nói của những kẻ lừa đảo “học đại học để làm gì, học xong rồi lương cũng 3 cọc 3 đồng; hãy học cách làm giàu ngay bây giờ, ngay giờ phút này...”.
Từ những thông tin nêu trên, nhiều BĐ đề nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý nghiêm những trò lừa đảo này; cần vào cuộc để giải cứu các SV, vốn là những người cứ nghĩ mình giỏi kiếm tiền để chứng tỏ với mọi người, nhưng cũng vì vậy mà dễ mắc lừa. BĐ P.H.Trung cho rằng có dấu hiệu của “lừa đảo do biến tướng của bán hàng đa cấp” và đề nghị cơ quan công an cần khẩn trương điều tra. Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để có chế tài nghiêm khắc với loại tội phạm kinh tế này, vì nếu xử phạt không đủ sức răn đe sẽ có nguy cơ tái phạm. “Nếu hiểu được đạo lý trên đời này không ai tự nhiên cho mình một thứ gì thì không bị lừa. Mọi của cải mình có được đều phải từ lao động thì mới bền”, BĐ Phạm Xuân Quỳnh đúc kết.
Tội phạm nào cũng nguy hiểm, nhưng băng nhóm tội phạm dạng này đặc biệt nghiêm trọng vì đối tượng chúng nhắm đến là SV... Nhà chức trách phải có trách nhiệm ra tay dẹp triệt để băng nhóm này.
Võ Khắc Siêu
Hoan nghênh Báo Thanh Niên đã đưa được vụ này ra ánh sáng, để “mở mắt” cho những người còn mơ màng, sống “ảo”, nhất là các thanh niên đang mơ ước kiếm tiền nhanh hiện nay... Mong tiếp theo, sẽ có các hành động của cơ quan pháp luật.
Nguyễn Bình
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.