Lăng kính Bạn đọc: Đau lòng chuyện 'hacker' trẻ lừa đảo tiền tỉ

09/06/2020 06:25 GMT+7

Nhiều bạn đọc như không tin vào mắt mình khi biết một số thanh thiếu niên đã trở thành “hacker”, làm rúng động làng quê nghèo bằng những trò lừa đảo qua mạng internet với số tiền lừa đảo lên đến hàng tỉ đồng.

Như Thanh Niên đã thông tin, chỉ trong 3 năm trở lại đây, Công an tỉnh Quảng Trị đã phá hàng chục đường dây lừa đảo qua mạng tại địa phương, bắt giữ hàng chục thanh thiếu niên liên quan. Đó là chưa tính các vụ án riêng biệt do Bộ Công an hoặc công an các địa phương khác chủ động vào Quảng Trị bắt người.
Điểm qua các thành phần đã sa lưới, hầu hết là nam sinh, tuổi đời còn rất nhỏ (từ 14 - 25 tuổi), từ học sinh phổ thông cho đến sinh viên cao đẳng, đại học. Trong đó không chỉ có những thành phần ăn chơi lêu lổng mà còn có cả... “con ngoan, trò giỏi” và hầu hết đều “khởi nghiệp” lừa đảo qua mạng chỉ vì mê game, muốn vài cái card, nhưng về sau quen mùi rồi thực hiện những cú lừa lớn…

Lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng

Mới đây nhất và cũng là vụ “kinh điển” nhất, vào ngày 1.6, Công an tỉnh Bắc Ninh đã vào tận Quảng Trị bắt giữ nam sinh lớp 12 Cao Xuân Thái (sinh năm 2002, ở Bích La Đông, xã Triệu Thành, H.Triệu Phong), người cầm đầu nhóm lập trình, tạo các website giả mạo chiếm tài khoản Facebook rồi lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng của hơn 100 người.
Nhiều bạn đọc (BĐ) hoảng hồn khi đọc thông tin trên. BĐ Hải viết: “Lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng của hơn 100 người, đọc mà rùng mình. Số người bị lừa nhiều, số tiền bị lừa lớn, lại do một học sinh lớp 12 cầm đầu nhóm lập trình. Đáng sợ quá và đau lòng quá”. BĐ Khánh Dương cũng không ngờ: “Sao lừa “giỏi” vậy? Làm sao mà một học sinh lớp 12 lại có thể làm như thế được? Tôi không tin được. Cha mẹ, thầy cô, bạn bè... ở đâu mà không ai ngăn?”.
BĐ Triển thì bày tỏ sự lo lắng: “Tự dưng đâm lo. Đứa con mình suốt ngày cũng ôm cái điện thoại và cái laptop, hỏi tới thì nói “để học bài”. Lo quá”. BĐ Trường Chinh chia sẻ: “Nhìn các em còn nhỏ, còn trẻ quá, thấy thật đau lòng. Cha mẹ, nhà trường chắc hẳn rất đau lòng. Làm sao để không còn xảy ra những trường hợp như thế?”. BĐ Minh Hà cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi cho rằng: “Các em đã đi quá xa rồi”.

Cho các em một cơ hội sửa mình

BĐ Công Hiếu bức xúc viết: “Tôi mong Báo Thanh Niên làm rõ hơn về con đường sa ngã của các em, nhất là những em “con ngoan, trò giỏi”, để rút ra bài học cho các em, gia đình và nhà trường, xã hội. Trách nhiệm này không chỉ đơn thuần của các em và gia đình...”. Bức xúc này cũng là bức xúc của nhiều BĐ. Trong đó, nhiều BĐ cho rằng “nên cho các em này một cơ hội để sửa sai”.
BĐ Xuân Cao bày tỏ: “Nên cho các em vị thành niên này vào các trường giáo dục đặc biệt, chọn các thầy cô giàu lòng yêu thương và có kinh nghiệm giáo dục để dạy dỗ các em. Cái chúng ta cần là giúp các em trở thành người tốt, dùng tài năng của các em phục vụ cho những mục đích tốt đẹp”. Cùng quan điểm, BĐ Thành Châu cho rằng: “Ai không có sa ngã, các em còn quá trẻ, cần tạo điều kiện để các em làm lại cuộc đời”. BĐ Minh Trang cũng nhấn mạnh: “Hãy cho các em cơ hội để sửa mình”.
Thời đại internet, có vô số cái tốt nhưng cũng có nhiều người lợi dụng làm điều xấu. Hãy tìm hiểu nguyên nhân mà các em sa ngã và có biện pháp giáo dục, đưa các em trở lại đường ngay.
Nhạc
Các em còn trẻ như thế, sao không thấy nói ai chịu trách nhiệm? Chắc chắn là người lớn rồi, nhưng cụ thể là ai?
Ánh Trang
Nói cho cùng thì các “hacker nhí” này kiếm ăn được cũng là “nhờ” người lớn mất cảnh giác. Thông thường, những tin nhờ chuyển tiền thì nên gọi lại xác minh trực tiếp bằng Viber, Zalo, Messenger... thì dù có bị hack tài khoản cũng không thể bị lừa.
Hoàng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.