Đề án này khi mới “trình làng” vào năm 2017 đã vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận và giới chuyên gia.
Loạt công trình giao thông công cộng khối lượng lớn chậm trễ, lượng hành khách ngày càng giảm khiến nhiều đơn vị chạy xe buýt phải giảm chuyến, bỏ tuyến… bức tranh mù mờ về hạ tầng VTHKCC khiến hầu hết ý kiến đều nhận định khi giao thông công cộng không đủ đáp ứng nhu cầu, đừng nghĩ chuyện cấm xe máy.
Đồng tình với chủ trương chỉ cấm xe máy khi hạ tầng giao thông công cộng đủ đáp ứng nhu cầu người dân theo đề án mới trình của Sở GTVT TP.HCM, tuy nhiên KTS Ngô Viết Nam Sơn khẳng định VTHKCC của TP sẽ không thể phát triển nếu thiếu sự kết hợp với phát triển hạ tầng, quy hoạch, chỉnh trang đô thị. Do đó đề án này không thể do một mình Sở GTVT giải quyết mà phải có sự phối hợp, tổng hợp lực của nhiều sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở Quy hoạch - Kiến trúc và trách nhiệm khảo sát nhu cầu người dân, nhu cầu xã hội của đơn vị tổ chức quản lý đô thị. Phải nghiên cứu kỹ quy hoạch đô thị cùng nhu cầu xã hội mới ra được quy hoạch giao thông công cộng.
Ông Sơn dẫn ví dụ tuyến metro số 1, do giao thông và quy hoạch tách rời nên những trạm dừng của tuyến metro này không đi qua các khu tòa nhà, dân cư cao tầng. Việc thiếu kết nối này khiến một số lượng lớn người dân tại các tòa nhà khó khăn hơn khi sử dụng phương tiện metro, giảm sức hút của giao thông công cộng. Nếu sai lầm này tiếp tục nhân rộng đối với các tuyến metro khác, các tuyến tàu trên cao, xe buýt… khác thì VTHKCC không thể phục vụ tối đa nhu cầu người dân.
“Bản đồ các tuyến xe buýt tại TP.HCM chằng chịt nhưng không hiệu quả, trong khi ở các nước phát triển, các tuyến xe buýt ít hơn nhưng tiện lợi hơn nhiều, muốn đi đâu cũng được và quãng đường phải đi bộ ra giao thông công cộng cũng rất ngắn. Làm được thế là do họ nghiên cứu rất kỹ nhu cầu đi lại của người dân, không có chuyện có tuyến buýt thì quá tải, tuyến thì phải bù lỗ bao năm không ai đi như ở VN hiện nay. Nói thế để thấy không phải cứ tăng giao thông công cộng là giảm được xe cá nhân. Nếu không đánh đúng nhu cầu, có an toàn đến mấy người dân cũng không chọn”, ông Sơn cảnh báo.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh dẫn số liệu cho thấy trong số người làm nghề tự do bằng xe 2, 3 bánh ở TP có 44% là người nhập cư, 43% là tỷ lệ tương ứng của những người buôn bán trên vỉa hè, 55% người nhập cư buôn bán lưu động. Khi di chuyển trong TP, những người làm nghề này không chỉ đơn thuần di chuyển con người của họ mà thường có nhu cầu kèm theo hàng hóa, phương tiện hành nghề. Với họ, khó có thể đi xe buýt khi loại phương tiện này bị giới hạn bởi các luồng tuyến định sẵn và hạn chế hàng hóa mang theo người cả về trọng lượng lẫn thể tích.
“Muốn hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, kể cả ô tô không có cách nào khác là phải tổ chức lại xã hội một cách đồng bộ về mọi phương diện từ xây dựng địa bàn đến hình thành các khu công nghiệp đồng bộ với việc cư trú của người lao động, thay đổi cơ bản cách kiếm sống của cư dân TP để thích nghi với việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng”, ông Ninh đề xuất.
Bình luận (0)