Có dấu hiệu bao che
|
Qua thanh, kiểm tra thực tế, Thanh tra TP.HCM xác định hầu hết các cơ quan, đơn vị, tổng công ty, công ty nhà nước được giao đất, cho thuê đất có sai phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất công sản. Các sai phạm chủ yếu là sử dụng không đúng mục đích, cho thuê trái quy định và bỏ trống gây lãng phí tài nguyên đất. Nguyên nhân, ngoài việc quản lý lỏng lẻo, có trường hợp đơn vị được giao đất vì lợi ích cục bộ mà vi phạm như lợi dụng hình thức kêu gọi đầu tư, hợp tác liên doanh, liên kết để cho thuê đất; tự ý bố trí cho công nhân viên làm nhà ở trên khuôn viên đất đang quản lý không đúng thẩm quyền…
Thanh tra TP.HCM cũng nêu rõ, để xảy ra sai phạm có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc chưa kịp thời kiểm tra và xử lý nghiêm việc sử dụng nhà đất công không đúng mục đích, sai quy định pháp luật.
Trên thực tế, khi phát hiện sai phạm, UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tập thể. Tuy nhiên, nhiều đơn vị trực thuộc có dấu hiệu bao che, bất chấp chỉ đạo của cấp trên. Điển hình là hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Công ty dịch vụ công ích Q.8, UBND Q.8 mà Thanh Niên từng phản ánh từ tháng 11.2017 và trong số báo ngày 14.5 vừa qua, nhưng việc xử lý đến nay vẫn bỏ ngỏ. Hay “phi vụ” Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) làm trái chủ trương của UBND TP.HCM, cho tư nhân thuê khu đất hơn 9.500 m2 tại địa chỉ 4/19 Hậu Giang (Q.Tân Bình) làm kho hàng hóa với giá bèo (Thanh Niên số ra ngày 15.5 phản ánh), mặc dù Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã có ý kiến, yêu cầu Sawaco khẩn trương chấm dứt hợp đồng và quản lý, sử dụng khu đất trên đúng quy định, thực hiện ngay trong tháng 12.2017, nhưng đến hôm qua 15.5 hoạt động tại kho hàng này vẫn diễn ra rầm rộ (!).
Cần điều tra “lợi ích nhóm”
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhà đất công sản là một nguồn lực rất lớn, chính việc buông lỏng quản lý, sử dụng sai mục đích, cho thuê giá bèo dẫn đến lợi ích nhóm xâu xé, trục lợi. “Quy định pháp luật về quản lý nhà đất công sản đã rất rõ, đầy đủ. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM cũng đã rất rõ, nhưng vì sao không thực hiện, lại còn để sai phạm kéo dài? Cần phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp quản lý. Nếu quản lý chặt chẽ, có phương án sử dụng hiệu quả, có thể thu về ngân sách hàng tỉ USD để đầu tư đường giao thông, trường học, bệnh viện…”, ông Châu nói.
Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, nói thẳng: “Việc quản lý, sử dụng nhà đất công sản hiện nay gây thất thoát ngân sách rất lớn. Qua giám sát, tôi rất ngạc nhiên khi tiền cho thuê nhà đất công sản thu về cho nhà nước rất thấp, có nơi áp dụng giá cho thuê từ năm 1994 rất lạc hậu. Hàng loạt cơ quan, đơn vị, thậm chí phòng ban cấp quận, UBND cấp phường cũng mang nhà đất công sản cho thuê và cho thuê sai thẩm quyền”.
Về hướng xử lý, theo ông Bình, phải thu hồi ngay nhà đất công sản sử dụng sai mục đích, lãng phí. “Vấn đề mấu chốt là truy trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhà nước được giao trực tiếp quản lý mà lại tùy tiện sử dụng sai mục đích, mang cho tư nhân thuê giá quá rẻ, để tư nhân cho thuê lại với giá quá cao gây thất thoát ngân sách. Cần thì mở rộng điều tra, đưa công an vào cuộc, xác định dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thực thi công vụ, cố ý làm trái, lợi ích nhóm để xử lý nghiêm. Vấn đề này phải làm công tâm, minh bạch để người dân giám sát”, ông Bình khẳng định.
Đề cập thẳng vào những sai phạm nghiêm trọng xảy ra ở UBND một số quận, huyện; công ty dịch vụ công ích, đặc biệt là các tổng công ty 100% vốn nhà nước như Sawaco, Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Tổng công ty văn hóa Sài Gòn, Tổng công ty du lịch Sài Gòn…, luật gia Nguyễn Việt Khoa, Khoa Luật (ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng có đủ dấu hiệu để tiến hành điều tra, xử lý hình sự. “Thanh tra Chính phủ cần tổng kiểm tra việc quản lý, sử dụng nhà đất công sản trong 10 năm qua để báo cáo Chính phủ xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức cố ý làm trái, gây ra sai phạm thất thoát ngân sách. Địa phương nào đã kiểm tra mà không xử lý dứt điểm thì phải làm lại và phải xử lý hình sự người vi phạm để lấy lại niềm tin của người dân”, ông Khoa đề nghị.
Thiếu hụt nguồn lực đầu tư trầm trọng
Theo kết quả giám sát của HĐND TP.HCM, tổng nhu cầu đầu tư từ nguồn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 của TP.HCM hơn 326.000 tỉ đồng, nhưng khả năng cân đối ngân sách chỉ đáp ứng được 52% nhu cầu đầu tư, trong khi đó việc quản lý nhà đất công còn gây lãng phí, thất thu ngân sách. Đây là một bất cập lớn.
HĐND TP.HCM chỉ rõ ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo thì quỹ đất sạch hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo tỷ lệ đất dành cho phát triển giáo dục; nếu căn cứ theo Quyết định 02/2003/QĐ-UB ngày 3.1.2003 của UBND TP.HCM thì chỉ đạt chưa đến 50%, việc xây dựng mới trường lớp và tăng số phòng học đạt thấp, diện tích đất/học sinh không đạt. Đặc biệt, nhiều dự án quy hoạch xây trường học hiện nay chưa giải quyết xong vấn đề về đất đai như ở Q.10; ở Q.11 thì đất quy hoạch đất giáo dục lại được đề nghị bán chỉ định, trong khi đang gặp nhiều áp lực về trường, lớp. Ở lĩnh vực văn hóa, thể thao, nhiều dự án chậm triển khai, thực hiện; một số khu đất chờ thực hiện dự án thì lại đang bị khai thác sử dụng sai công năng, thẩm quyền, làm thất thu ngân sách và chưa phối hợp tốt trong việc quản lý và thực hiện các dự án...
|
Bình luận (0)