'Khủng hoảng' nước sạch ở Đà Nẵng: Họp khẩn, 'huy động' thủy điện xả nước

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
21/08/2019 14:51 GMT+7

Trước tình trạng 'khủng hoảng' nước sạch trầm trọng nhất trong nhiều năm qua, Đà Nẵng họp khẩn với các thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia (Quảng Nam), 'huy động' thủy điện xả nước.

Toàn Đà Nẵng thiếu 120.000 m3 nước

Ngày 21.8, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan và chủ các thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia để giải quyết “khủng hoảng” nước sạch đang khiến người dân Đà Nẵng kêu trời.
Tại cuộc họp, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, trong 2 ngày 18, 19.8, cửa thu nước ở sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép nên công ty đóng van không thu nước.
Công ty đã vận hành trạm bơm An Trạch, công suất 210.00 m3/ngày. Tuy nhiên với nhu cầu của TP thì còn thiếu hụt khoảng 100.000 m3/ngày đêm nên công ty đã đã theo dõi ngưỡng mặn để lấy nước từ Cầu Đỏ để bù vào.

 

Chính quyền Đà Nẵng họp khẩn với các ngành và thủy điện để giải quyết tình trang "khủng hoảng" nước sạch trong những ngày qua

Ảnh: Hoàng Sơn

Ngày 19.8, TP thiếu khoảng 45.000 m3 nước. Ngày 20.8, TP thiếu khoảng 72.000 m3 nước. Trong 2 ngày, TP thiếu khoảng 120.000 m3. Song song với việc giảm lưu lượng thì toàn bộ mạng lưới cũng bị giảm áp lực nước.

“Vừa yếu vừa thiếu nước nên tình trạng thiếu nước sẽ diễn ra trên diện rộng. Công ty đã tiến hành cấp nước bằng xe bồn. Trong 2 ngày 19, 20.8 công ty đã cấp nước luân phiên ở khu trung tâm và các Q.Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Với việc thiếu hụt nước nghiêm trọng như hiện nay thì chỉ giải quyết một phần nhu cầu người dân”, đại diện Dawaco cho hay.

Công ty cũng tổ chức 20 điểm cấp nước để xe bồn mang nước tiếp thường xuyên. Các khu chung cư tại Vũng Thùng, công ty cũng cử xe đến tiếp nước. Hiện hồ Xanh đã khai thác quá mức và bị cạn kiệt nên đơn vị đã chuyển ống nước ra giữa hồ để lấy sâu hơn. Còn nước suối Đá (Sơn Trà) khai thác khoảng 1.000 m3 /ngày đêm chỉ đáp ứng phần nào mà thôi.

Thủy điện nên “hy sinh một phần lợi nhuận”

Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng cho biết, hồ A Vương hiện còn 26 triệu m3, Đăk Mi 4 còn khoảng 20 triệu m3 (đều đóng tại Quảng Nam).
Trong khi đó, chỉ có hồ A Vương xả nước phát điện về Đà Nẵng, Đăk Mi 4 xả về Đà Nẵng qua cửa xả sâu 12,5 m3/giây. Theo ghi nhận thủy điện Đăk Mi 4 có lưu lượng về hồ khá cao trong tháng 8, trung bình khoảng 25 m3/giây. Trong 2 ngày 19, 20.8 đã tăng lưu lượng lên khoảng 30-40 m3/giây.
“Theo đề nghị của Sở TN-MT TP, thủy điện này sẽ trả nước về hạ du khoảng 25 m3/giây. Thủy điện A Vương còn 26 triệu m3 xả tối đa công suất 70 m3/giây thì hồ còn khoảng 20 triệu m3. Với 2 thủy điện xả cùng lúc sẽ giảm mặn và giúp Đà Nẵng có nguồn nước sinh hoạt”, ông Hòa nói.

Người dân lao đao vì Đà Nẵng đang thiếu nước nghiêm trọng

Ảnh: Hoàng Sơn

“Với việc phát điện hiện nay, các thủy điện nên hy sinh một phần lợi nhuận của mình để tập trung nước đẩy mặn cho khu vực hạ du Đà Nẵng”, cũng ông Hòa đề nghị.
Ông Đinh Hữu Tấn, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Đăk Mi khẳng định, sẵn sàng chia sẻ nguồn nước và đề nghị phải có cuộc họp giữa thủy điện Đăk Mi 4, thủy điện A Vương và nhà máy nước Cầu Đỏ để thống nhất phương án.
“Chúng tôi hỗ trợ, nhưng nguồn nước không tập trung, giờ nước đến Cầu Đỏ mà không đúng lúc thì không có ý nghĩa. Nên nhà máy nước Cầu Đỏ phải căn cứ vào thủy triều để biết được giờ nào lấy nước tốt nhất”, ông Tấn nhấn mạnh.
“Thủy điện Đăk Mi 4 và A Vương cũng phải tính toán nước 2 hồ này về Cầu Đỏ cùng một giờ. Chứ nếu A vương về trước rồi thủy điện Đăk Mi 4 về sau thì không có ý nghĩa. Tôi đề nghị phải tính toán khoa học”.
Ông Lê Đình Bản, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung, cho hay hồ thủy điện hiện chỉ có dung tích hữu ích khoảng được 30%. Từ ngày 1.1 - 1.8, công ty thủy điện Sông Bung đã phối hợp với Quảng Nam và Đà Nẵng đã vận hành tốt đảm bảo nước cấp cho sinh hoạt.

Các thủy điện cũng kêu trời vì lượng nước về hồ suy giảm do hạn hán

Ảnh: Hoàng Sơn

Ngày 4.8, hồ đã về mực nước chết và đã cầm cự duy trì dòng chảy xuống cho hạ du. Ngày 13.8, công ty phát khoảng 25 m3/giây. Hiện hồ đã xuống mực nước chết 1,5 m và không còn khả năng điều tiết. Hồ tạm dừng phát điện để nâng mực nước.
Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương thông tin thêm, cuối năm 2018, nguồn nước kém nên thủy điện đã tích nước sớm.
Đến cuối tháng 5, mực nước đã tăng lên đúng quy định. Tình hình nước khan hiếm vào tháng 6, Đà Nẵng đã liên hệ và công ty đã lập tức điều phối nhằm tăng lượng nước để đẩy mặn hạ du.
Hiện hồ còn khoảng 26 triệu m3. Đến 31.8 hết mùa khô, hồ vẫn còn lượng nước để dự trữ và có nước để điều tiết. “Khả năng phải đến khoảng 15.9 mới có mưa nên rất e ngại thời gian đầu mùa mưa nhưng không có mưa”, ông Thế nói.
“Năng lực nhà máy có thể đáp ứng trong 24 giờ với lưu lượng 70 m3/giây. Chúng tôi không phản đối nhưng lo là phát như vậy trong điều kiện như hiện nay thì nên thận trọng. Cả 2 hồ về tổng 95 m3/giây nhưng hút lên chỉ khoảng 3 m3/giây, nếu không lấy nước được thì cũng sẽ ra biển. Trong khi đầu mùa mưa dự báo sẽ khô hạn mà không có nguồn dự trữ. Tôi nghĩ cần phải có sự đồng thuận xã hội phải tiết kiệm nước”.

Kêu gọi tiết kiệm nước

Kết luận cuộc họp, ông Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở TN-MT, Xây dựng phối hợp với Dawaco và 4 hồ thủy điện thống nhất quy trình vận hành trong giai đoạn trước mắt. Đề nghị thủy điện Đăk Mi 4 xả 25 m3/giây về Đà Nẵng, thủy điện A Vương xả 70 m3/giây trong 24 giờ sau cuộc họp.
Dawaco phối hợp với 2 hồ chọn thời điểm thích hợp để lấy nước hiệu quả, đẩy mặn đúng thời điểm. Dawaco khai thác tối đa nước từ đập An Trạch về, phần còn lại thì lấy nước ở Cầu Đỏ để tính ra lưu lượng nước từ A Vương cần xả về. Các đơn vị phối hợp để có quy trình rõ ràng đến 31.8. Nếu không cải thiện sẽ có ý kiến bổ sung.

Phó chủ tịch Đà Nẵng Đặng Việt Dũng kêu gọi người dân tiết kiệm nước trong cơn "khủng hoảng" nước sạch như hiện nay

Ảnh: Hoàng Sơn

Ông Dũng cũng đề nghị Sở Xây dựng căn cứ vào kịch bản đã được phê duyệt về độ mặn của nước để đưa ra phương án thực hiện kịch bản thiếu nước. Công ty Cấp nước TP chuẩn bị phương án dự trữ trong trường hợp xả nước về nhưng không đủ.
“Cần có phương án dự phòng các điểm cấp nước, xe bồn. Kêu gọi người dân cùng chính quyền tiết kiệm nước. Đặc biệt các doanh nghiệp các resort, khách sạn phải tiết kiệm hết sức để phục vụ cho người dân. Chúng ta đã sử dụng các nguồn ở các hồ, các nguồn dự trữ hết rồi nên phải tiết kiệm hết sức”, ông Dũng nói.
Trước tình hình “khủng hoảng” nước sạch, ông Dũng đề nghị Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng đôn đốc các đơn vị xây dựng công trình bổ trợ như đường ống, công trình phục vụ nước lâu dài, tránh thụ động và phụ thuộc vào một nguồn nước…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.