Nước về đồng là có cá tôm
Năm nay lũ về sớm. Mực nước hiện tại tuy thấp hơn cùng kỳ nhưng nước lại lên nhanh hơn nên nông dân phấn khởi mở đồng cho phù sa vào bồi đắp ruộng thêm tươi tốt, còn cánh ngư dân thì háo hức chuẩn bị ngư cụ ra đồng ra sông bắt cá.
Ngồi nhìn con nước đục phủ trắng đồng ở ấp Vồng Bàn, xã Thường Phước (H.Hồng Ngự, Đồng Tháp), ông Trần Văn Guôl (51 tuổi) tràn trề hy vọng một mùa nước nổi làm ăn khấm khá. Sống bằng nghề nông, nhưng cứ năm nào lũ lớn là ông Guôl lại cho đồng ruộng nghỉ ngơi, tranh thủ đi đánh bắt cá. Khoảng hơn 2 giờ sáng ông đi dỡ đú, 1 ngày bắt được vài chục ký cá linh, cá chốt, cá lóc đồng… bán được gần 1 triệu đồng.
“Mùa lũ năm rồi sống khỏe nhờ nguồn lợi trời cho, cá linh bán cho bạn hàng từ 40.000 - 80.000 đồng/kg, cá chốt bằng ngón tay cái đầu lũ nên có giá bán trên 45.000 đồng, cá lóc đồng 80.000 đồng/kg”, ông Guôl khoe.
|
Dọc cánh đồng Giồng Bàn lố nhố những giàn lưới. Nhiều ngư dân cho biết thời điểm này mới bắt đầu đi bắt cá vì mấy tuần trước cá còn nhỏ. Ông Nguyễn Văn Cát (56 tuổi, ngụ ấp Giồng Bàn) chia sẻ: “Mấy ngày trước tôi thả 100 cái lợp, mỗi đêm bắt hơn 40 kg tép đồng. Có bao nhiêu bạn hàng cân bấy nhiêu, giá từ 80.000 - 120.000 đồng/kg. Nhờ tép đồng mà gia đình tôi sống khỏe trong mùa lũ”. Với kinh nghiệm lâu năm sống với nghề hạ bạc, ông Cát dự báo tháng sau ngư dân miệt Tam Nông, Cao Lãnh, TX.Hồng Ngự sẽ trúng mùa cá tôm vì nước lũ lên nhanh sẽ đùa cá con trôi xuống vùng đó.
|
Đủ nghề mưu sinh
Dọc các cánh đồng lũ thuộc xã Thường Phước 1, Thường Phước 2 của H.Hồng Ngự lúc nào cũng có bóng người chèo xuồng hái bông điên điển, bông súng để bán. Chị Nguyễn Thị Ánh Linh (23 tuổi, ngụ xã Thường Phước 2) khoe mấy ngày qua lũ vào đồng nhanh nên chị đặt lợp, mỗi đêm bắt được gần 10 kg cua đồng, bán 22.000 đồng/kg, riêng càng từ 50.000 - 100.000 đồng/kg (tùy càng lớn, nhỏ).
Cá, tôm, cua nhiều nên các chợ cá từ vùng quê đến thành thị cũng phong phú hẳn lên. Anh Tư Sáng (35 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Đức, H.Châu Phú, An Giang) cho biết đầu mùa lũ cua nhiều nên mấy ngày nay vựa của anh thu mua tấp nập, sau đó đưa về các tỉnh miền Đông Nam bộ và TP.HCM phân phối cho các đầu mối.
|
|
tin liên quan
Bám biển mưu sinh: Hung thần 'giã cào bay' Ông Út Đừng, trên 30 năm sống với nghề đan lợp cua, cho biết bình thường 1 cái lợp cua giá 30.000 đồng, năm nay lũ lớn, lợp cua bán chạy nên giá tăng lên 40.000 - 42.000 đồng/cái. Trong khi đó, làng nghề đóng xuồng, ghe Mỹ Hiệp (xã Mỹ Hiệp, H.Chợ Mới, An Giang) mùa lũ này náo nhiệt hẳn lên. Một chiếc xuồng câu có giá từ 900.000 - 1,4 triệu đồng/chiếc, thợ thầy phải làm không ngơi tay để cung cấp cho bạn hàng các nơi.
Nói về mùa lũ, ông Nguyễn Văn Kiệt (46 tuổi, ngụ ấp Bình Hòa Thượng, xã Thường Thới Hậu B) sống bằng nghề đáy cá linh trên sông Sở Thượng trên 30 năm, bộc bạch lũ lớn cá tôm nhiều vô kể nhưng nguồn lợi lớn nhất vẫn là cá linh.
Ông nói: “Ngư dân kiếm tiền nhiều hay ít nhờ vào nguồn cá này, làm nghề này ai nấy đều ngóng con nước đứng làm nước hạ xuống, khi đó cá linh và các loài cá khác trú trong đồng mới giật mình lội ào ào ra sông khi có chài, kéo lưới, đặt đáy mới bắt được nhiều. Nhưng quan trọng nhất vẫn là mùa nước giựt trong tháng 11, đồng cạn nên lúc đó cá linh to bằng đầu ngón tay cái bơi hết ra sông cho ngư dân đánh bắt”.
Bình luận (0)