Bám biển mưu sinh: Hung thần 'giã cào bay'

Trác Rin
Trác Rin
07/08/2018 08:28 GMT+7

Ngư dân đánh bắt ven bờ mất ngư cụ, tôm cá đứng trước nguy cơ cạn kiệt vì 'đến con ruốc cũng không thoát'... Tàu giã cào bay thật sự đang là hung thần trên biển.

Giã cào là thả lưới (dài từ 500 - 1.500 m) sát đáy biển rồi kéo đi. Tàu giã cào thường đi theo cặp, gọi là tàu giã cào bay. Ngày trước tàu giã cào công suất nhỏ (khoảng 90 CV), ngày nay tàu được nâng cấp công suất lớn hơn (từ 600 - 800 CV) nên khả năng “tàn sát” cũng cao hơn.
Ngư dân nghèo điêu đứng
Xã Hòa Phú (H.Tuy Phong, Bình Thuận) có khoảng 1.300 hộ dân và 250 ghe tàu, trong đó có tới 64 tàu giã cào bay hoạt động. Mắt lưới nhỏ của tàu giã cào khiến các sinh vật dưới biển bị tận diệt, tàu lại chạy với tốc độ cao nên rất dễ cuốn theo ngư cụ gây hư hỏng, thiệt hại cho các ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ.
Biển động, chiếc thúng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lai, 46 tuổi và chị Ngô Thị Linh, 42 tuổi (xóm 10, thôn Phú Thủy, xã Hòa Phú) nằm im ỉm trên bờ. Hai vợ chồng đang tất bật sửa soạn mấy tay lưới để ngày mai ra khơi.
Hằng ngày, 4 giờ sáng anh Lai chèo thúng ra thâu lưới, bắt tôm cá xong xuôi lại thả mẻ lưới khác ngâm luôn dưới biển. “Lưới ngâm đó, tàu giã cào bay đi ngang là mất trắng. Năm nào tui cũng bị mất vài ba lần, ít không sao chứ nhiều chỉ biết... khóc thôi!”, anh Lai kể. Một tay lưới giá 1 triệu đồng, mỗi ngày vợ chồng anh Lai giăng 10 tay lưới. “Mất lưới vợ chồng tui phải vay nặng lãi, trả góp từng ngày mới sắm lại được. Mấy tháng trước tàu giã cào cuốn của vợ chồng tui bốn tay lưới. Hên thì mỗi sáng ra khơi ngư cụ còn đó, xui xẻo mất hết cũng đành cắn răng chịu...”, anh Lai rầu rầu.
 Hung thần 'giã cào bay' 1
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lai và chị Ngô Thị Linh sửa soạn ngư cụ chuẩn bị cho chuyến ra khơi
“Con ruốc cũng không thoát”
Nhắc về nạn tàu giã cào bay hoành hành, anh Bùi Văn Sang, 39 tuổi, mắt đượm buồn nhớ lại gần tết năm ngoái anh bị mất 45 xấp lồng trị giá gần 20 triệu đồng. “Phát hiện ngư cụ mất, hai vợ chồng ôm nhau khóc... rồi sau đó chạy vạy, mượn tiền mua lại”, anh Sang kể.
Những ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ lúc nào cũng thấp thỏm lo mất ngư cụ. Trời kêu ai nấy dạ chứ không biết làm gì. “Giữa biển trời mênh mông bắt đền ai? Hơn nữa tàu giã cào bay tốc độ cao, trời tối đen nên có phát hiện cũng chịu thua”, anh Sang bất lực.
Anh Nguyễn Văn Dũng, 47 tuổi, cũng chung số phận. Mỗi lần mất ngư cụ, hai vợ chồng phải chật vật lắm mới sắm lại được để tiếp tục bám biển.
“Cả nhà mấy miệng ăn đều trông chờ vào mỗi chuyến ra khơi nên mất lần nào, tui lại phải vay nặng lãi mua ngư cụ lần nấy. Đây cũng là tình cảnh chung của bà con đánh bắt ven bờ!”, anh Dũng cho hay.
Hung thần 'giã cào bay' 2
Ngư dân Nguyễn Văn Dũng cho biết nhiều lần bị tàu giã cào bay cuốn mất ngư cụ
Gần chục năm theo tàu giã cào bay đánh bắt và chỉ mới giải nghệ nửa năm nay, anh Nguyễn Văn Phòng, 42 tuổi, cho hay tàu giã cào đôi (2 tàu kết hợp chung - NV) thả lưới rộng 500 m, dài 45 sải tay, cao 25 m và mắt lưới nhỏ tới mức con ruốc, tôm tép đều không thoát.
Ngày 11.7, UBND H.Tuy Phong có công văn khẩn gửi Sở NN-PTNT và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận đề nghị hỗ trợ, tăng cường lực lượng để kiểm tra, xử lý các tàu giã cào bay vi phạm. Theo đó, sáng cùng ngày lực lượng chức năng phát hiện bốn cặp giã cào bay hoạt động sai tuyến trên vùng biển phía bắc H.Tuy Phong. Phát hiện lực lượng chức năng, các tàu vi phạm tổ chức bao vây, có hành vi chống đối. Nghiêm trọng hơn, các tàu giã cào sẵn sàng đâm vào tàu của lực lượng chức năng đang áp sát. Trước tình thế đó, lực lượng chức năng chỉ tiến hành đẩy đuổi các tàu vi phạm ra khỏi vùng biển H.Tuy Phong chứ không thể làm gì khác.
Trên tàu có hơn chục người, mỗi chuyến các bạn ghe như anh Phòng kiếm được 400.000 - 1 triệu đồng. “Đi giã lúc nào cũng nơm nớp sợ kiểm ngư truy bắt. Lỡ bị bắt, tất cả các bạn ghe phải cùng bỏ tiền đóng phạt”, anh kể.
Thấy thu nhập không quá cao, lại đánh bắt kiểu tận diệt thì đời con mình chẳng còn con cá để ăn, anh Phòng bỏ nghề. Gom góp, vay mượn ít tiền, anh Phòng sắm thúng và mua lưới, ốc vôi (dụ mực vào trú rồi kéo lên - PV) đánh bắt ven bờ.
“Giờ tui khai thác theo cách của cha ông mình ngày xưa, ngày kiếm vài trăm ngàn. Tuy không giàu có nhưng cũng đủ nuôi mấy con ăn học”, anh trải lòng.
Ông V. (52 tuổi, xã Hòa Phú), một chủ tàu giã cào bay, kể bản thân ông hay các ngư dân lâu nay đều đánh bắt theo cảm tính và kinh nghiệm, cứ chỗ nào có cá là đi, khi bị bắt mới biết mình vi phạm khoảng cách chứ ai mà để ý. Chủ tàu cũng mệt mỏi vì lẩn tránh, bỏ chạy khi bị kiểm ngư phát hiện. Số tiền phạt lên đến hơn trăm triệu đồng, thế nhưng việc đánh bắt hiệu quả nên chẳng ai chịu bỏ.
Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, ông Nguyễn Đức Thành cho biết mức phạt tàu giã cào bay vi phạm từ 148 - 200 triệu đồng. Xung đột giữa ngư dân đánh bắt truyền thống và ngư dân sử dụng tàu giã cào bay cũng đã xảy ra.
Ông cho biết phần lớn tàu giã cào bay là tàu hoán cải, ghe tàu có công suất máy từ 45 - 60 CV nhưng được ngư dân tháo ra, sau đó lắp máy khác, độ chế thêm khiến ghe tàu tuy công suất lớn nhưng trọng lượng nhỏ. Vì thế, ngư dân chỉ quanh quẩn gần bờ, không thể ra khơi xa và dẫn đến cứ đánh bắt là... vi phạm.
“Hiện tại, chính quyền đang cố gắng vận động ngư dân thay đổi hình thức đánh bắt. Lúc trước có 100 tàu giã cào bay, giờ chỉ còn 64 tàu”, ông Thành nói.
Một người bán lưới tiết lộ lưới giã cào bay sản xuất từ Trung Quốc, sau đó nhập qua Thái Lan và được ngư dân tỉnh Kiên Giang mua dùng. Thấy loại hình này đánh bắt hiệu quả, ngư dân Bình Thuận lại tiếp tục nối gót.
Cả nhà bốn đời bám biển mưu sinh, anh Nguyễn Văn Phòng cho hay giã cào bay chỉ xuất hiện tại Bình Thuận khoảng 10 năm trở lại đây và lưới giã cào bay có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết cách đánh bắt bằng tàu giã cào bay xuất hiện tại địa phương từ năm 2009. “Các ngư dân cho biết họ mua lưới giã cào bay từ các ngư dân ở tỉnh Kiên Giang. Còn nguồn gốc có phải từ Trung Quốc hay không thì tôi không rõ”, ông Thành nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.