Nhà văn, nhà thơ Việt Nam

Nhà thơ Ngô Thế Oanh, người đi bộ ngược gió

09/11/2024 04:45 GMT+7

Là người chuyên sống lặng lẽ, Ngô Thế Oanh làm thơ ít, xuất bản thơ mình còn ít hơn, nhưng chưa bao giờ thơ rời xa anh, cả thơ mình và thơ bạn mình.

Những năm còn khỏe, nhà thơ Ngô Thế Oanh nổi tiếng là người chuyên… đi bộ. Đi bộ qua các phố Hà Nội. Nhớ hồi hòa bình lập lại năm 1975, tôi và Ngô Thế Oanh đã đi bộ khắp Sài Gòn. Mới ở chiến trường về thành phố, lại là thành phố mình chưa tới bao giờ, nên chỉ đi bộ mới ngắm và ngấm được những con phố Sài Gòn, những dãy phố người nghèo, người chạy loạn, người thất cơ lỡ vận lấy những miếng các tông làm nhà ở. 

Hồi ấy chúng tôi còn ngây thơ lắm. Nhưng cho tới bây giờ, khi Oanh đã 80 tuổi tròn, còn tôi 78 tuổi, hình như chúng tôi vẫn còn ngây thơ như vậy.

Và nhà thơ Ngô Thế Oanh lại tiếp tục đi ngược gió, cùng với những quyển sách cũ mua trên vỉa hè đường Lê Lợi tháng 5.1975. Sách thì cũ, và người đã già. Nhưng có làm sao? Thế hệ chúng tôi đã sống hết mình trong chiến tranh, đã chia bùi sẻ đắng với đồng đội, đã sống cùng nhân dân vất vả và đau thương của mình, thế cũng coi là được.

Là người chuyên sống lặng lẽ, Ngô Thế Oanh làm thơ ít, xuất bản thơ mình còn ít hơn, nhưng chưa bao giờ thơ rời xa anh, cả thơ mình và thơ bạn mình.

Năm 2019, khi tôi in tập thơ Chờ mãi cơn mưa rào rất lạ, Ngô Thế Oanh cùng Nguyễn Thụy KhaHữu Thỉnh đã viết lời giới thiệu. Chúng tôi đã là đồng đội trong chiến tranh, đã là bạn sau giải phóng, nên mỗi trang viết về bạn mình đều thấm đẫm tình bạn.

Nhà thơ Ngô Thế Oanh, người đi bộ ngược gió- Ảnh 1.

Nhà thơ Ngô Thế Oanh

ẢNH: VANVN.VN

Tôi vẫn còn nhớ, trong chiến tranh, Ngô Thế Oanh ở chiến trường Khu Năm, còn tôi ở chiến trường Nam bộ, nhưng tôi đã đọc được bài thơ đầu tiên của Oanh viết ở chiến trường Quảng Nam, in ở tạp chí văn học hàng đầu ở miền Bắc thời ấy, Tạp chí Tác phẩm mới. Bài thơ Ghi vội ở Bảo An Đông. Bài thơ của Oanh khiến tôi rất vui, vì biết bạn mình vẫn còn sống, và cũng vì bài thơ có giọng điệu mới mẻ so với thơ thời ấy.

Thơ Ngô Thế Oanh sau chiến tranh ngày càng lặng lẽ, càng kiệm lời, đúng với cách sống, cách nghĩ, cách cảm của anh. Đây là một bài thơ theo "dạng" ấy:

Nhà thơ

Đôi lúc anh giống như một mẩu thuốc lá

Người ta quét khỏi quán cà phê trước giờ đóng cửa

Đôi lúc anh giống như đồng tiền mất giá

Khó còn giúp được gì giữa chợ

Những trang thơ của anh

Những mộng tưởng của anh

Những lo âu hy vọng của anh

Anh không thể quên nhưng cũng không muốn nhớ

Anh đã học suốt đời để hiểu điều ngay thẳng

Để thú nhận tận lòng những gì nhầm lẫn

Hiểu mỗi ngọn cỏ vô danh cũng bình đẳng với người

Nhiều cố gắng giờ đây gần như vô ích

Anh vẫn đi ngược ngọn gió đời

Những người anh gặp trên đường vẻ vô cảm trong đáy mắt

Nét mệt mỏi hằn trên gương mặt

Nhiều thần thánh tắt dần vầng sáng thiêng liêng

Những hứa hẹn thiên đường đã mất

Chỉ còn tiếng vọng cô đơn

Anh viết những dòng thơ

Có gì được khác hơn

Những người nguyên thủy cũng như ta đánh viên đá làm ra lửa.

Đúng là "Anh vẫn đi ngược ngọn gió đời". Để giữ cho mình được trong sáng như xưa, thì nhiều khi phải đi ngược. Nhiều khi phải khuất lấp. Nhiều khi phải lặng lẽ hơn mức bình thường. 

Mới đây, từ Hà Nội, nhà thơ Ngô Thế Oanh đã vào Quảng Ngãi thăm tôi, để thắp hương cho vợ tôi mất năm ngoái. Chỉ nửa ngày một đêm nhưng hai chúng tôi đã nói với nhau biết bao nhiêu là chuyện. 

Bây giờ, cơ hội gặp được nhau chỉ là để nói chuyện, tâm sự cùng nhau, vậy thôi. Tôi biết, đó cũng là tâm trạng của những người kháng chiến cũ. Không phải chúng tôi đã quá lạc hậu, hay lạc đường, mà chúng tôi đã có lúc phải lạc nhau trong cõi nhân sinh này.

Anh Ngô Thế Oanh gần đây mới biết dùng điện thoại di động, coi như lạc hậu về "công nghệ thông tin". Còn tôi thì quen dùng điện thoại loại nhỏ, cứ tưởng vừa rồi bị "quét sạch" loại điện thoại này, may quá, tôi còn giữ được, vì điện thoại mình tuy "cục gạch" như lại kết nối được "4G". Âu cũng trời thương, vì mình không thông minh, mà dùng smartphone thì khó chịu.

Cũng như Ngô Thế Oanh, gần 50 năm sau chiến tranh rồi mà "những ngọn gió ký ức" vẫn "thổi không nguôi được":

Những ngọn gió ký ức

Anh làm sao tắt ngọn gió ký ức

vẫn thổi không sao nguôi được

những dặm đường đã qua trong chiến tranh

hoa lau trắng

buổi chiều cao chất ngất

nấm mộ vô danh

đồng đội anh nằm lại bên đường

chỉ có đá xếp vùi thay cho đất

chỉ ngọn lửa cháy thay cho nước mắt

và lời thề vang âm thầm

Anh đã trở lại bình yên với cuộc sống đời thường

căn nhà

tiện nghi

vợ con

những gì ngỡ vượt xa điều anh từng ước muốn

cả những dòng thơ thời nào anh mộng tưởng

những dòng thơ từng ám ảnh anh

Nhưng vì sao

vì sao

biết bao lần

chợt lại dậy lên

ngọn gió thổi không nguôi từ ký ức.

Những nhà thơ như Ngô Thế Oanh, cho tới bây giờ vẫn còn nghe những ngọn gió ký ức chiến tranh thổi lộng trong tâm hồn mình, thì không am hiểu công nghệ thông tin cũng là điều bình thường thôi.

Nhưng có những điều không thể quên, không bao giờ quên được, khi mình đã hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Những nhà thơ như Ngô Thế Oanh, sống lặng lẽ, nhưng nói thật lòng. 

Tâm sự về nghề văn, anh đã viết: "Tôi không nhớ là đã đọc ở đâu, có lẽ từ một nhà văn bậc thầy, rằng điều đòi hỏi trước hết và chủ yếu ở một người viết là sự lương thiện. Lương thiện trong cuộc đời, lương thiện trên trang viết và với riêng tôi, đằng sau hai tiếng lương thiện này còn hàm ẩn một nghĩa sâu nữa: sự giản dị, sống giản dị, viết giản dị…".

Vâng, viết giản dị, không thể giản dị hơn, như bài thơ Vô danh này. Nhưng khi ta đọc, chợt thấy lòng đau nhói. Những người lính đã hy sinh cho Tổ quốc, vốn họ đều có tên, mà khi chết, họ bỗng trở thành vô danh. Cứ như họ sinh ra ở đời đã mang tên đó.

Và chiến tranh vẫn là chiến tranh

Nào ai mong nhận cái chết cho mình

Tôi tự nhủ với niềm an ủi

Sự sống sót không hề có lỗi.

Không có lỗi, nhưng mình tự cảm thấy xót xa. Đó chính là sự lương thiện mà Ngô Thế Oanh đã tâm sự. Xin giới thiệu nguyên bài thơ Vô danh của anh để chúng ta hiểu thêm về Người đi ngược gió này:

Vô danh

Vô danh… vô danh… vô danh… vô danh…

1959… 1968… 1973… 1975…

Cát mênh mông. Những vạt cỏ khô cằn

Gió thổi ngược về Tây. Chiều nắng muộn

Những tên tuổi. Những cuộc đời khát vọng

Giờ chỉ còn đơn giản: Vô danh…

Cánh rừng nào hun hút Trường Sơn

Bạn đã hiến thanh xuân quý báu

Trận đánh nào phải mở con đường máu

Bạn ngã trên chốt chặn cuối cùng

Đêm tối nào tập kích vào cứ điểm

Bạn hi sinh không mảnh vải quấn thân

Bạn từng biết gánh nặng của ký ức

Không một ai san sẻ cùng ta được

Và chiến tranh vẫn là chiến tranh

Nào ai mong nhận cái chết cho mình

Tôi tự nhủ với niềm an ủi

Sự sống sót không hề có lỗi

Nhưng vì sao ký ức vẫn nhói lên

Và tâm hồn day dứt mãi không yên

Thơ tôi viết giờ in trong sách vở

Người ta đọc. Có thể người ta nhớ

Nhưng vì sao bia mộ các anh nằm

Vẫn đời đời ghi lặng lẽ: Vô danh…

Những nhà thơ đã trải qua chiến tranh như Ngô Thế Oanh, Nguyễn Thụy Kha và tôi, cái còn lại cuối cùng giữa chúng tôi là sự đồng cảm, là tình bạn chung thủy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.