Trong chương trình nghệ thuật Miền xa thẳm, ông Nghiêm Xuân Hàm, cựu chiến binh Sư đoàn 313, đã trở về chiến trường xưa Si Cà Lá (H.Vị Xuyên, Hà Giang). Ông Hàm đi cùng con trai một người đồng đội đã hy sinh. Thắp nén nhang, ông nhớ lại những điều người đồng đội ấy đã nói trước khi mất.
"Lúc đó em nói anh Hàm ơi, các anh ơi, Si Cà Lá là đất của tổ tiên mình, là nhà của gia đình mình, anh em mình thề với nhau đi, còn người còn trận địa. Nếu trận địa mất, xác đồng đội mất, nếu đồng đội nào còn sống là có tội với đồng đội. Anh xin lỗi với em là anh còn sống", ông Hàm vừa nói vừa khóc.
Những câu chuyện về những người đã hy sinh, những nỗi đau của gia đình thương binh, liệt sĩ đã được kể chân thực, xúc động trong Miền xa thẳm - chương trình nghệ thuật tri ân của Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội với các điểm cầu Hà Nội và 5 điểm cầu khác trên cả nước vào tối 30.7 và phát trên mọi nền tảng online của đài.
Các điểm còn lại là Đền thờ anh hùng liệt sĩ điểm cao 468 (H.Thanh Thủy, Hà Giang), Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (Quảng Trị), Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây đều là những nơi mang tính biểu tượng, ghi dấu những hy sinh cao cả của các anh hùng - liệt sĩ.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải, một cựu chiến binh Vị Xuyên, đã hát tại chính nghĩa trang ở Vị Xuyên, cùng nhớ đồng đội. Tại đây, ông khoác vai ông Nghiêm Xuân Hàm, nói với đồng đội mình rằng đồng đội đã cho ông và ông Hàm tiếp tục được sống. Ông Hải cũng nói đất của Tổ quốc còn đây, có người đã mất ở đó.
Điều đặc biệt nữa, tại Miền xa thẳm, ông Hải không chỉ hát tặng những người lính chiến tranh biên giới ở Vị Xuyên, mà còn hát cho những người lính ở mặt trận Tây Nam.
Ca khúc Bóng chiều Tây Nam của ông hướng về những chiến sĩ tình nguyện đã hy sinh tại chiến trường Campuchia. Đây là một chủ đề ý nghĩa, nhưng ít được khai thác trong âm nhạc Việt Nam.
Ca khúc như một lời gọi thiết tha, mong muốn đưa linh hồn các anh trở về với đất mẹ. Thông qua ngôn ngữ âm nhạc, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã thể hiện tình cảm đặc biệt của mình với những người con ưu tú của đất nước đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Chương trình Miền xa thẳm cũng là lần đầu tiên bản gốc của ca khúc Hát Giang trường hận - tiền thân của bản Hồn tử sĩ nổi tiếng - được trình diễn trên sân khấu với tư cách một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Điều này đã mang đến một góc nhìn mới, đầy bất ngờ cho khán giả với bản phối khí mới mẻ, đầy bi tráng.
Ngoài các bài hát, chương trình Miền xa thẳm còn có các tuyến phóng sự và tiểu phẩm kể về những câu chuyện hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Đó là ca mổ đau đớn nhất trong đời bác sĩ Vũ Đình Tụng, tiểu phẩm Bức tâm thư gửi cho hậu thế mang tâm sự của những người lính gửi lại cho thế hệ sau, qua bức thư tìm thấy giữa rừng già Nam bộ sau chiến tranh.
Bình luận (0)