Chiến tranh biên giới phía bắc sẽ được viết thế nào trong sách giáo khoa mới?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
25/02/2022 16:36 GMT+7

Lịch sử cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và lợi ích quốc gia ở vùng biên giới phía bắc và ở biển Đông sẽ được trình bày kỹ hơn ở 3 chủ đề trong sách giáo khoa mới.

Trong bài viết Cần phản ánh đầy đủ cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc trong sách giáo khoa trên Thanh Niên, một số giáo viên dạy lịch sử cho rằng sách giáo khoa chưa nói rõ sự thật lịch sử về cuộc đấu tranh của quân dân ta chống lại sự xâm lược của Trung Quốc trong giai đoạn 1975-1979.

Một tổ hỏa lực của Trung đoàn 567 (thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng) phục kích tiêu diệt cánh quân Trung Quốc tấn công TX.Cao Bằng (nay là TP.Cao Bằng) tháng 2.1979

TRẦN MẠNH THƯỜNG

Cả một cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà chỉ thể hiện rất tóm gọn, không thể hiện được sự chiến đấu hy sinh gian khổ của quân dân ta, sự tàn bạo của quân xâm lược cũng như thiếu khách quan, không công bằng đối với lịch sử.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, GS Sử học Phạm Hồng Tung (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), Chủ biên chương trình lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho biết: "Ở cấp tiểu học, giáo dục lịch sử nằm trong môn học tích hợp lịch sử và địa lý, bắt đầu được tổ chức dạy và học ở các lớp 4 và 5. Các vấn đề liên quan đến hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam và vùng biên giới phía bắc chưa được đề cập đến".

Theo ông Tùng, ở cấp THCS, nội dung giáo dục lịch sử cũng nằm trong môn học tích hợp lịch sử và địa lý, được tổ chức dạy và học từ lớp 6 đến lớp 9. Ở cấp học này, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của giáo dục lịch sử là giúp học sinh có được kiến thức thông sử (cơ bản, cốt lõi, hệ thống) của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Do vậy, nội dung về hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía bắc được trình bày ở lớp 9, trong mạch nội dung “Việt Nam trong những năm 1976 – 1991”.

Đây cũng là phần mà nội dung lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và lợi ích quốc gia ở vùng biên giới phía bắc và ở biển Đông được đưa vào chương trình để giảng dạy cho học sinh. Với tính chất của một nội dung thông sử, vấn đề này cũng sẽ chỉ được trình bày ở mức tóm lược những nguyên nhân và diễn biến, chủ yếu làm rõ vị trí và ý nghĩa của chúng trong diễn trình lịch sử dân tộc.

Ở cấp THPT, lịch sử được tổ chức dạy và học với tính cách là một môn học độc lập. Các nội dung giáo dục sẽ được tổ chức thành những chủ đề và chuyên đề. Lịch sử hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía bắc sẽ tiếp tục được trình bày trong khuôn khổ của chủ đề “Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ tháng 8 năm 1945 đến nay)”. Chủ đề này được tổ chức dạy và học ở lớp 12.

Như vậy, lịch sử hai cuộc chiến tranh này được đặt trong một mạch nội dung cùng với cuộc Cách mạng tháng Tám, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cách đặt vấn đề như vậy sẽ giúp cho việc tìm hiểu về các cuộc chiến tranh này được đặt trên một hệ quy chiếu lịch sử đồng nhất là lịch sử quân sự - lịch sử kháng chiến và chiến tranh chống ngoại xâm.

Vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia từ sau năm 1979 được đề cập đến ít nhất là 3 lần trong 3 chủ đề khác nhau

TRẦN MẠNH THƯỜNG

GS Phạm Hồng Tung cho rằng, theo cách này, việc tìm hiểu lịch sử các cuộc chiến tranh của học sinh sẽ thuận lợi hơn, sâu sắc hơn, đồng thời cũng tránh được bất kỳ sự can thiệp nào vào nội dung của chương trình giáo dục lịch sử.

Tương tự, lịch sử cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và lợi ích quốc gia ở vùng biên giới phía bắc và ở biển Đông sẽ được trình bày kỹ hơn trong 3 chủ đề: “Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông” (lớp 11) và “Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay” và“Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam” (lớp 12). Khi đặt vấn đề này vào trong nội dung của các chủ đề như trên, vấn đề sẽ được xem xét trong cái nhìn toàn diện, hệ thống và vì vậy, không ai còn có thể ngại ngùng về tính “nhạy cảm” của nó nữa.

Với cách thức cấu trúc nội dung như vậy, lịch sử các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sẽ được đề cập đến ít nhất là 2 lần ở cấp THCS và THPT với mức độ và cách tiếp cận khác nhau. Riêng vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia từ sau năm 1979 được đề cập đến ít nhất là 3 lần trong 3 chủ đề khác nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.