'Tiếng vọng đèo Khau Chỉa', hồi ký đầu tiên của người lính về chiến tranh biên giới

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
12/02/2023 19:05 GMT+7

Tác giả Nguyễn Thái Long cho biết sách là hồi ký của ông và bạn bè, một hồi ký tập thể về chiến tranh biên giới phía Bắc (1979).

Nhiều bài hát về chiến tranh đã vang lên trong buổi giới thiệu cuốn sách Tiếng vọng đèo Khau Chỉa tại Hà Nội. Đúng hơn, đó là những bài hát về chiến tranh biên giới như Hát về anh, Nếu điều đó xảy ra… Một người dự ra mắt sách thậm chí còn mang theo đài để phát lại Lệnh tổng động viên trên Đài tiếng nói Việt Nam thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược.

'Tiếng vọng đèo Khau Chỉa' hồi ký tập thể của người lính chiến tranh biên giới   - Ảnh 1.

Cuốn sách gần như là một hồi ký về chiến tranh biên giới

NHÃ NAM

Tác giả cuốn sách Tiếng vọng đèo Khau Chỉa, ông Nguyễn Thái Long, là y sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567 (Trung đoàn Phục Hòa - Khau Chỉa) khi tiếng súng vang lên tại phòng tuyến đèo Khau Chỉa vào rạng sáng 17.2.1979. 

Trong tác phẩm, ông đã chia sẻ về những ngày chiến đấu đó với hình ảnh bố Hoan tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 vẩy những phát súng ngắn, chỉ huy chặn đánh kịp thời đoàn xe tăng địch. Cũng có hình ảnh pháo thủ Hồ Tuấn đạp cò khẩu 14 ly 5 đến đỏ rực nòng súng khiến địch lăn lông lốc, ôm đầu máu tháo chạy.  Cuốn sách còn có những trận mai phục, những cuộc sát hại tàn bạo của địch mà bộ đội và nhân dân phải trải qua… Một biên cương trong lửa đạn.

Tiếng vọng đèo Khau Chỉa có những trang viết ghi ngày tháng chính xác. Về điều này, ông Nguyễn Thái Long cho biết mình không viết những trang này dựa trên nhật ký. "Tôi không có nhật ký nào hết, tất cả là nhật ký trong đầu. Những sự kiện đó không thể nào quên được. Đây không phải câu chuyện trong nhật ký mà diễn ra trong hồi ức của mình, trong đầu mình, trong trái tim mình", ông cho biết.

'Tiếng vọng đèo Khau Chỉa' hồi ký tập thể của người lính chiến tranh biên giới   - Ảnh 2.

Nhiều người lính từng chiến đấu ở biên giới tham gia buổi ra mắt sách

NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Ông Long cũng tiết lộ, những ngày tháng chiến tranh đó là ký ức rất sâu đậm của ông và những người lính năm ấy. "Cái này rất sâu đậm trong những người lính, không phải riêng tôi đâu, các đồng đội tôi cũng nhớ như thế. Khi nói chuyện với đồng đội thì tất cả những sự kiện đó hiện lên. Trí nhớ này không chỉ riêng tôi mà còn của các đồng đội nữa", ông tâm sự. Vì thế, có những sự việc mỗi người lại nhớ khác nhau thì họ ngồi lại, tập hợp thông tin để chọn cho chính xác.

Tác giả Nguyễn Thái Long chuyển ngành năm 1987, trở thành một bác sĩ tâm lý, rồi làm giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Ông cho biết, khi chuyển ngành, có nhiều đồng đội bị ảnh hưởng tâm lý vì cuộc chiến biên giới đến tìm ông. Ngay bản thân ông cũng có hội chứng hậu chiến tranh. "Biểu hiện là sự ám ảnh, lúc nào cũng nhớ cũng nghĩ đến chuyện chiến tranh thậm chí nhiều đêm không ngủ. Chúng tôi hiểu hội chứng đó nhiều khi còn hơn các vết thương thực tế. Vết thương đó nằm trong tâm trí, trong tư duy, trong tình cảm", ông Long cho biết.

'Tiếng vọng đèo Khau Chỉa' hồi ký tập thể của người lính chiến tranh biên giới   - Ảnh 3.

Tác giả (bìa trái) trong buổi ra mắt sách

NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Sẽ có nhiều cuốn sách người lính viết về chiến tranh biên giới

Việc viết sách của ông nhen nhóm từ 2012, khi còn công tác. 2015 ông nghỉ hưu và bắt đầu viết về ký ức của trung đoàn. Cú hích cuối cùng thúc đẩy ông viết Tiếng vọng đèo Khau Chỉa chính là dịp kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới, ngày 17.2.2019. Lúc đó, việc kỷ niệm diễn ra tại Cao Bằng trong không khí "chỉ nghe từ quân địch chung chung". Chính vì thế, ông Long càng quyết tâm hơn, để "bạn bè mình không bị chìm trong lịch sử".

Ông tâm sự: "Nhất là khi sự kiện đó có xu hướng bị lãng quên thì việc viết ra nó càng thôi thúc, càng đau hơn, càng nung nấu hơn, càng muốn viết ra cái gì đó để giải tỏa hội chứng chiến tranh này". Cuốn sách khi hoàn thành như một phương thuốc "chữa lành" phần nào cho ông và đồng đội. Những người lính biên giới gọi cho ông, nói với ông lời cảm ơn vì đã viết thay tâm sự của chính họ. Bản thân ông, khi đọc lại những đoạn viết về đồng đội mình hy sinh, hay khi thăm lại chiến trường xưa. "Một lần nữa tôi lại đối diện với ký ức", ông nói.

Trả lời Thanh Niên về việc liệu có gì nên viết mà ông chưa viết trong sách hay không, ông Long cho biết: "Có những cái mà mình không thể nói hết ra được, biên tập họ cũng cắt đi. Nhưng chắc chắn sau khi in cuốn này sẽ có nhiều cuốn sách người lính viết về chiến tranh biên giới hơn. Tôi chỉ là một trong hàng vạn người lính ở biên giới phía Bắc thôi".

Với cuốn sách về chiến tranh biên giới, ông chia sẻ: "Các nhân vật toàn anh em bạn bè. Nó gần như là hồi ký. Không chỉ của riêng tôi mà còn hồi ký của anh em bạn bè. Chính xác là hồi ký tập thể của những người lính đã cầm súng thời kỳ ở Cao Bằng và Vị Xuyên".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.