GS-TS Nguyễn Lân Dũng nói với tôi: “Mọi người gọi Mười là “vua bơ” vì anh là người hiểu biết hơn ai hết về cây bơ và cũng là người cấp giống bơ tốt nhất, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ cho đồng bào khắp vùng Tây nguyên”.
Gặp Trịnh Xuân Mười tại quán cà phê trên thủ phủ cà phê VN. Làm quen vài câu, uống nốt ly cà phê Buôn Ma Thuột đúng “chất”, Mười mời tôi lên xe bán tải đi thăm trang trại bơ. Quãng đường đi “vua bơ” kể cho tôi nghe câu chuyện như tiểu thuyết về cuộc đời mình.
|
Một thời khốn khổ
|
“Nỗi cơ cực và cái sự nghèo của em phải nói mấy ngày mới hết anh ạ”, Xuân Mười tâm sự. Mười sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Diễn Châu, Nghệ An. Bà mẹ quê sinh đẻ đủ quân số của một… đội bóng với 11 đứa con. “Khổ không bút mực nào tả hết” (như Mười nói) nên Mười bỏ học từ năm lên lớp 6, và năm 1990, khi mới 16 tuổi quyết định xa quê xuôi vào nam tìm kế mưu sinh.
Đi lậu trên chuyến tàu Thống Nhất, bị đánh và với hành trang là cây sáo trúc, không một xu dính túi, Mười cũng chẳng biết mình sẽ trôi dạt về phương nào. Thậm chí, Mười còn chưa biết cách gì để có thể duy trì sự sống cho cái cơ thể suy dinh dưỡng chỉ nặng chưa đến 36 kg của mình.
Đói lả trên chuyến tàu, Mười bèn lấy cây sáo trúc ra thổi để xin tiền. Một vài hành khách thấy thương kêu lại cho ăn phần cơm thừa.
|
Chuyến tàu dừng lại ga Chợ Đầm, TP.Nha Trang, Mười bị đuổi xuống. Trong cơn mưa tầm tã, bộ đồ duy nhất trên người ướt sũng, Mười thất thểu lê bước trong ánh đèn mờ của sân ga, đói và lạnh. Chị bán thuốc lá gần ga thấy thương tình tìm một chiếc áo cũ cho Mười mặc. “Dù sao thì cũng cần có miếng gì lót dạ, nhưng không lẽ cứ xin ăn mãi. Vậy là em quyết định xuống Chợ Đầm xin làm thuê. Nhưng nhìn thấy em nhỏ quá lại ốm nhom nên chẳng ai thuê. Một chị trong chợ cho em ăn bữa cơm rồi khuyên em lên Gia Lai hay Đắk Lắk gì đó hái cà phê, hái tiêu thử”, Mười kể. Nghe lời bà chị, Mười xin một anh tài xế xe khách chạy tuyến Nha Trang - Buôn Ma Thuột làm phụ xe để đi. Lên Đắk Lắk, rong ruổi khắp nơi rồi Mười cũng xin được vào làm cho một gia đình chuyên làm lúa. Chuyện cấy lúa, gặt lúa là sở trường của chàng trai đất Diễn Châu này. Được chủ thương, nhưng làm lúa thì cũng có mùa nên cuối cùng Mười quyết định xin đi làm việc khác. Chặng đường đi làm thuê cho các ông chủ trại cà phê, trại bơ bắt đầu từ đây.
Khát vọng đổi đời
Nhưng không lẽ cứ làm thuê mãi, và làm thuê thì chẳng thể khá lên được để có tiền gửi về phụ bố mẹ nghèo khó nuôi anh em ở quê. Thậm chí ngày bố mất, Mười cũng không thể về chịu tang vì không có tiền. Mười còn nếm vị đắng của phận làm thuê, khi có ông chủ đối xử quá tệ. Nghĩ đến bố, đến sự nghèo khó của bản thân mình cũng như gia đình và thân phận làm thuê..., nuốt nước mắt vào lòng, Mười quyết tâm làm chủ để kiếm tiền. Tằn tiện chi tiêu, Mười dành dụm mua được một chiếc xe đạp cũ để đi mua gom bơ bán lại cho vựa thu mua bơ.
|
Trong khi đi mua bơ, Mười luôn để ý đến những cây bơ cho năng suất cao và ngon. Từ đó, Mười lấy giống bơ đó trồng thử trên mảnh đất 1,3 ha mua với giá 55 triệu đồng. Nhưng Mười bảo, anh “bó tay” vì chẳng hiểu tại sao bơ do mình trồng không cho chất lượng như mong muốn. Mười bèn đến Viện Khoa học nghiên cứu nông lâm nghiệp Tây nguyên tìm hỏi cách lai ghép giống bơ. Viện này lắc đầu vì “chưa ai nghiên cứu” việc đó. Không từ bỏ, Mười tìm tài liệu để nghiên cứu và nhờ GS-TS Nguyễn Lân Dũng tư vấn, anh mới vỡ lẽ “tính di truyền quyết định bởi cành ngọn”.
Thế là anh lấy mắt chồi của cây bơ giống tốt ghép lên thân cây bơ được ươm bằng hạt. Năm 2006, vườn bơ ghép đầu tiên của Xuân Mười cho lứa quả đầu tiên làm hoa cả mắt người dân quanh vùng và làm ông chủ vườn bơ như bay lên mây. “Vườn bơ ghép không những trĩu quả mà cho chất lượng tuyệt vời anh ạ”, Mười phấn chấn.
|
Sự thành công của giống bơ ghép do Xuân Mười tạo ra làm những nhà nghiên cứu giống bơ cũng phải tâm phục khẩu phục. Năm 2010, Mười đăng ký nhãn hiệu “BXM” tức Bơ Xuân Mười và Cục Sở hữu trí tuệ gật đầu cái rụp. Hiện nay, BXM đã có phiên bản BXM1, BXM2, BXM4 và bơ muộn tháng 10 được coi là những giống bơ quý vừa ngon vừa cho năng suất cao. Cho đến nay, các giống bơ Xuân Mười đã nhân rộng cho nhiều hộ trồng bơ ở Tây nguyên. Không hổ danh “vua bơ”, Xuân Mười nhân diện tích ban đầu chỉ 1,3 ha lên thêm 12 ha nữa. Trong trang trại bơ thuộc hàng bậc nhất Tây nguyên của “vua bơ” giờ không chỉ có các giống bơ Xuân Mười mà còn thêm nhiều giống bơ đặc sản khác.
Bước ngoặt quan trọng mang tính đột phá của Trịnh Xuân Mười là chuyến đi Úc cũng với GS-TS Nguyễn Lân Dũng để tìm hiểu về giống bơ Úc và chương trình hợp tác trồng, chế biến, xuất khẩu những giống bơ quý, cho năng suất cao được trồng trên vùng đất Tây nguyên. Theo GS-TS Nguyễn Lân Dũng: “Đến nay, Mười đã ghép thành công mầm bơ Úc cho hàng ngàn cây bơ VN và tương lai bơ Úc sẽ tràn ngập khắp năm tỉnh Tây nguyên. Công lao này của Mười Bơ sẽ góp phần thay đổi diện mạo kinh tế của cả 5 tỉnh Tây nguyên nước ta”.
Hôm đến trang trại bơ mới trồng trên diện tích 12 ha của “vua bơ”, tôi cứ ngẩn ngơ trước hàng ngàn cây bơ trĩu quả, nhiều trái nặng gần 1 kg, nhiều cành phải có cây chống đỡ để khỏi bị gãy. Xuân Mười khoe với tôi: “Mỗi năm em có thể thu về 15 tỉ từ trái bơ. Còn vườn ươm khoảng 120.000 cây bơ giống quý trong nước và Úc sẽ thu về thêm nhiều tỉ đồng nữa”. Trong trang trại bơ của Xuân Mười, anh dành 1 trong những cây “đỉnh” nhất để làm từ thiện. Mỗi năm, cây này thu được 50 triệu đồng.
Trước khi chia tay, Xuân Mười mở cho tôi nghe những bản nhạc do anh sáng tác và biểu diễn sô lô hoặc với Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền. Thật tình, tôi đã lịm đi vì giọng hát ngọt ngào, sâu lắng và những ca từ mà Xuân Mười viết lên từ câu chuyện thăng trầm của đời mình. Thêm một lần tôi ngẩn ngơ vì những điều lạ lùng của “vua bơ”.
Bình luận (0)