Kiểm tra, xử lý nghiêm những công ty vi phạm

10/12/2016 06:56 GMT+7

'Doanh nghiệp vi phạm, C64 hoặc công an các địa phương đều có văn bản nhắc nhở và xử phạt hành chính. Nếu tái diễn thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép an ninh, đồng nghĩa với việc ngừng hoạt động', thiếu tướng Dung nói.

Ngay sau khi Thanh Niên hôm qua (9.12) đăng bài Không cần học nghiệp vụ, vẫn được làm “vệ sĩ”, thiếu tướng Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) - Bộ Công an, khẳng định đây là những vi phạm nghiêm trọng của công ty dịch vụ bảo vệ, cần kiểm tra và xử lý nghiêm, thậm chí nếu vi phạm tái diễn thì buộc ngưng hoạt động.
Trung đeo khẩu trang, đi xe máy đến giao CCHT... Ảnh: Mã Phong

Theo C64, hiện cả nước có khoảng 1.200 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ (DVBV), tập trung phần lớn ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Hà Nội, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 14.000 lao động. Về cơ bản, các doanh nghiệp DVBV chấp hành khá tốt quy định pháp luật, các hiện tượng vi phạm chỉ đơn lẻ nhưng hệ quả có thể mang tính chất nghiêm trọng bởi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến tính mạng, tài sản người dân, gây bức xúc dư luận, mà vụ việc Giám đốc Công ty TNHH DVBV An Ninh Việt - Nhật mới đây là một minh chứng…
...và giới thiệu về bình xịt hơi cay Ảnh: Trác Huy

Đề cập đến quy định tuyển dụng và quản lý người lao động tại các doanh nghiệp DVBV, thiếu tướng Vũ Xuân Dung cho biết theo quy định hiện nay, người lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp DVBV phải trải qua khóa đào tạo tối thiểu là 30 ngày để học các kỹ năng về an toàn, an ninh, kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ… Sau khi được sát hạch, cấp chứng chỉ mới được hành nghề. “Tuy nhiên, có những doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng đã yêu cầu người lao động đi làm ngay. Trong khi việc kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng không thường xuyên thì sẽ để lại hệ quả rất nguy hiểm”, thiếu tướng Vũ Xuân Dung lưu ý và khẳng định: “Đối với những doanh nghiệp vi phạm, C64 hoặc công an các địa phương đều có văn bản nhắc nhở và xử phạt hành chính. Nếu kiểm tra thấy tái diễn thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép an ninh, đồng nghĩa với việc ngừng hoạt động”.
Roi điện được rao bán Ảnh: Mã Phong

Cũng theo thiếu tướng Dung, theo quy định pháp luật hiện hành, các công ty DVBV được phép trang bị công cụ hỗ trợ (CCHT) cơ bản gồm súng bắn điện và bình xịt hơi cay, roi điện, dùi cui. Việc sử dụng các loại CCHT này được thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ. Theo đó, doanh nghiệp phải có giấy phép mua và giấy phép sử dụng. Pháp lệnh Quản lý vũ khí và CCHT cũng quy định, người sử dụng phải được đào tạo, sát hạch mới được sử dụng, đồng thời phải được kiểm tra định kỳ… Khi PV đề cập tình trạng CCHT trôi nổi khá phổ biến và việc kiểm tra của cơ quan chức năng không thường xuyên, dẫn đến bọn tội phạm sử dụng để gây án, thậm chí một số công ty DVBV trang bị trái phép cho nhân viên trong hoạt động…, ông Dung cho rằng “đó cũng là một nguy cơ mà cơ quan chức năng cần phải có giải pháp để kiểm soát”. “Sắp tới, C64 sẽ phối hợp với công an các địa phương tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp DVBV phục vụ việc sơ kết Nghị định 96/2016. Tất cả các vấn đề về người hành nghề DVBV sẽ được đánh giá toàn diện nhất để báo cáo lên Bộ Công an, đề xuất Chính phủ có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời chấn chỉnh những hiện tượng tiêu cực trong thời gian qua”, thiếu tướng Vũ Xuân Dung nói.

Mua bán Công cụ hỗ trợ trên mạng
Trước khi phản ánh tới lãnh đạo C64 về tình trạng CCHT trôi nổi khá phổ biến, mua bán tràn lan, PV Thanh Niên đã tìm hiểu và thấy các loại CCHT như súng bắn đạn cao su, roi điện, bình xịt hơi cay, còng số 8… được rao bán công khai trên mạng internet với đủ chủng loại khác nhau. Sáng 8.12, PV Thanh Niên trong vai người đi mua CCHT, liên lạc số điện thoại 092644… gặp một người đàn ông tự xưng tên Trung (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM), đặt hàng mua CCHT. Nghe vậy, Trung chào mời: “Chỗ tôi thứ gì cũng có, từ còng số 8, roi điện, bình xịt hơi cay, gậy ba trắc… hàng chất lượng, giá đảm bảo rẻ hơn những nơi khác”. Khi PV đề nghị được đến tận nơi xem hàng thì Trung đáp: “Bán mặt hàng này nhạy cảm, anh thông cảm xem hàng trên mạng, nếu thích sẽ có người giao hàng tận nơi”. Sau khi khách đặt mua 1 roi điện với giá 700.000 đồng và 1 bình xịt hơi cay giá 300.000 đồng và hẹn giao hàng dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương (Q.5), trưa cùng ngày, Trung mang roi điện, bình xịt tới thử trước mặt khách: “Đảm bảo với anh đây là hàng chất lượng, nhập từ Trung Quốc. Những cái này dùng để tự vệ hoặc đi đánh nhau, lúc nào phần thắng cũng thuộc về anh”.
Súng bắn đạn chì được rao bán với giá 8,5 triệu đồng Ảnh: Mã Phong

Theo một cán bộ của Công an TP.HCM, để quản lý tốt công tác sử dụng CCHT, thời gian qua cơ quan công an đã lên kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm tra hàng trăm lượt tổ chức, cá nhân; xử lý hàng chục trường hợp vi phạm trong công tác bảo quản, sử dụng CCHT... Tuy nhiên, tình trạng tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép CCHT còn diễn biến phức tạp, nhất là việc rao bán trên mạng internet. “Nhiều tội phạm sử dụng CCHT gây án đều khai nhận mua CCHT trên mạng... Tuy nhiên, việc mua bán CCHT chỉ bị xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe”, vị này nói và cho biết: “Thời gian tới, Công an thành phố sẽ chủ động nắm tình hình hoạt động của các đối tượng trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, giáp ranh nơi có điều kiện thuận lợi để phần tử xấu mua bán trái phép CCHT. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng phòng ngừa, kiểm tra phát hiện, bắt giữ các đối tượng nhập lậu, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép, vận chuyển CCHT vào TP.HCM qua đường hàng không, hàng hải, bưu điện để xử lý đúng theo pháp luật”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.