Kiên cường Bản Giốc

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
01/03/2019 07:41 GMT+7

Các chiến sĩ của Đồn biên phòng Đàm Thủy trên đỉnh thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, H.Trùng Khánh, Cao Bằng) ngày đêm cùng người dân canh giữ từng tấc đất của Tổ quốc.

Bám trụ, đấu tranh

Theo đại tá Ma Quang Nghị, nguyên Chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng (BĐBP) Cao Bằng: Thác Bản Giốc là thác thiên nhiên thuộc xã Đàm Thủy (H.Trùng Khánh, Cao Bằng). Khu vực thác Bản Giốc tính từ các thửa ruộng Thoong Bốc đến sát chân núi nhánh sông cực Bắc của thác. Các cồn đất của thác (gồm Pò Thoong, Pò Rư, Pò Bắc, Lũng Chang) đều do nhân dân ta ở các bản đó quản lý và sản xuất canh tác. Khu vực này có mốc 53, 53 phụ và mốc 54. Từ những năm 1965, phía Trung Quốc (TQ) triển khai lực lượng ra tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền sử dụng nguồn nước ở khu vực thác Bản Giốc gần mốc giới số 53. Đây là khu vực chủ quyền lãnh thổ VN kể từ sau các Hiệp ước biên giới Pháp - Thanh năm 1887 và 1895. Mọi vụ việc cũng bắt nguồn từ việc phía TQ được bà con ta cho phép đặt 1 trạm xay xát nhỏ chạy bằng sức nước ở khu vực, trong phần lãnh thổ VN. Từ đó họ chiếm dụng toàn bộ mặt nước ở đoạn thác này.
Cuối năm 1972, đầu năm 1973, phía TQ công khai đòi hỏi chủ quyền đối với khu vực thác Bản Giốc. Cuối 1974, các hoạt động tranh chấp của TQ được đẩy lên cao.
Thời điểm này, Đồn BP Pò Peo (được thành lập từ 1959, nay gọi là đồn BP Ngọc Côn) phụ trách địa bàn toàn bộ các xã biên giới của H.Trùng Khánh, cử tổ công tác đến thác Bản Giốc giải thích cho những người TQ về chủ quyền của VN tại đây, nhưng nhiều người trong số họ tỏ thái độ bất chấp và hung hãn.
Theo đại tá Ma Quang Nghị, cuộc đấu tranh chống lấn chiếm diễn ra hết sức gay go, quyết liệt. Phía TQ tiếp tục cho người khoan, đục các lỗ để nhồi thuốc nổ phá đá, nhân dân các xã Đàm Thủy dùng các cây thân gỗ hoặc cọc tre đóng bịt các lỗ đã được đục sẵn, không cho họ nhồi thuốc nổ để phá hoại. Phía TQ đổi chiến thuật, ghép các khối thuốc nổ với nhau để khi nổ có sức công phá lớn, khoét thành các hố sâu không cần phải khoan đục. Nhiều cụ già địa phương liền kéo đến nằm ngồi trên các khối thuốc nổ không cho họ hành động. Trước thái độ kiên quyết, bám trụ đấu tranh liên tục suốt mấy ngày đêm của ta, cuối cùng họ phải rút về nước.
60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3.3.1959 - 3.3.2019): Kiên cường Bản Giốc1
Bộ đội biên phòng đồn Đàm Thủy nhận nhiệm vụ tuần tra biên giới

Thức canh Pò Thoong

Biên cương giữ được, phải từ lòng dân

Thượng tá Mê Văn Đạt, Đồn BP Đàm Thủy

Thượng tá Lý Viết Coỏng, nguyên Đồn trưởng Đồn BP Đàm Thủy, nghỉ hưu năm 2007, kể: “Từ năm 1965, phía TQ đã có ý đồ lấn chiếm thác Bản Giốc, xây dựng trạm thủy điện ngay cạnh nhánh sông cực Bắc và ngăn nước trên nhánh sông này hòng thay đổi dòng chảy, có lợi cho họ. Những năm sau đó, lực lượng bảo vệ biên giới TQ nhiều lần xâm nhập lãnh thổ ta, ngăn cản BĐBP và nhân dân ta đi lại với mức độ ngày càng tăng, diễn biến rất phức tạp, nhất là trong năm 1975 - 1976. Họ còn ngang ngược nhận đường biên giới đi qua dòng phía nam của thác, cồn Pò Thoong là lãnh thổ của họ”. Ông Coỏng kể thêm, từ lúc ký Hiệp ước Biên giới đất liền tháng 12.1999 đến cuối năm 2004, phía TQ đẩy nhanh tiến độ làm cầu khu vực thác, làm bè mảng để đưa dân và du khách vào chân thác tham quan du lịch và nhất là xâm nhập cồn Pò Thoong, làm đường ra mốc 53 lấn sang đất ta. Cuộc đấu tranh ở khu vực cồn Pò Thoong và đoạn từ đỉnh thác nối đến mốc 53 là nóng bỏng nhất và tiên phong là người dân các thôn ở xã Đàm Thủy.
Ông Trần Quý Sơn (60 tuổi), nguyên trưởng thôn Bản Giốc, hồi tưởng: “Thời điểm 1998 -2000, khi manh nha các dịch vụ du lịch dưới chân thác, bè chở khách TQ đi qua đường trung tuyến, áp sát bờ sông phía VN, còn định cho người TQ nhảy lên. Ngăn cản các hành động này, hàng trăm người dân thôn Bản Giốc đã cắt cử nhau trực ven bờ sông Quây Sơn. Bên họ thì dùng gạch đá ném thẳng vào chúng tôi làm nhiều người bị thương”.
Trên đỉnh thác Bản Giốc có gần 100 hộ dân thôn Cô Muông bao năm canh giữ mốc giới cùng tổ công tác BP của Đồn BP Đàm Thủy. Dẫn tôi ra thăm chợ tự phát đường biên, ông Nông Tài Nghĩa (Trưởng thôn Cô Muông) chỉ cột mốc 53 bằng đá cũ kỹ được cắm từ thời Pháp - Thanh đứng ngay ngắn cạnh mốc 835 và kề đó là mốc 835 (1), bảo: “Hồi hoàn thành phân giới cắm mốc, phía TQ đòi nhổ mốc 53 cũ nhưng bên ta kiên quyết không cho. Dân họ chỉ đi vào mấy bước là dân mình ngăn chặn ngay. Không cần đến BĐBP”.

Bám trụ Lũng Phiắc

Ngày 19.11.1958, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”, sau này là lực lượng CAND vũ trang (CAND VT).
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3.3.1959, Thủ tướng ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng CAND VT, nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là CAND VT, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”.
Từ đó, ngày 3.3.1959 chính thức trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CAND VT và BĐBP ngày nay.
Đến Đồn BP Đàm Thủy, không thể không gặp thượng tá Mê Văn Đạt, nguyên cán bộ tăng cường làm chức danh Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy từ năm 2007 với câu chuyện ổn định tình hình thôn Lũng Phiắc. Thời điểm 2005 - 2006, thôn Lũng Phiắc có 198 hộ gần 1.000 nhân khẩu nhưng có tới 81% người dân mù chữ. Thôn có 3 km đường biên giới giáp TQ. Từ năm 1992, khi phát hiện Lũng Phiắc có nhiều quặng mangan, phía TQ lập ra các trạm thu mua ở sát đường biên với giá cao khiến người dân tìm mọi cách sang bán trái phép.
Trước tình hình đó, năm 2006, Tỉnh ủy Cao Bằng ra Chỉ thị 15 về việc củng cố, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của xóm Lũng Phiắc, hàng chục cán bộ được tăng cường về Lũng Phiắc, trong đó có các cán bộ của Đồn BP Đàm Thủy. Thượng tá Mê Văn Đạt được điều về giữ chức Bí thư Đảng ủy và sau đó kiêm Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy. Những ngày đầu về xã, anh Đạt dành thời gian xuống các xóm bản, trò chuyện với các cán bộ lão thành, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con.
Anh Đạt phân tích: “Quặng đào rồi cũng hết, nếu bị kẻ xấu lôi kéo vào tệ nạn xã hội thì tự làm hại cuộc đời mình, gia đình tan nát. Chúng ta phải tìm cách làm ăn mới trên đồng ruộng, tăng thu nhập sẽ ổn định cuộc sống cho con cháu mai sau” và trực tiếp liên hệ với Công ty giống cây trồng tỉnh Cao Bằng để xin ứng giống lạc về địa phương trồng thử, cùng xuống ruộng hướng dẫn cách gieo trồng cho dân.
Vụ lạc đầu tiên bội thu, dân tin cán bộ hơn và từ chỗ chỉ làm một vụ lúa mùa, bà con đã trồng cấy thêm vụ đông xuân, tăng tổng diện tích gieo trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Dần dần, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh, từ 23% năm 2007 xuống dưới 10% hiện nay. “Những ngày đầu về Lũng Phiắc, cán bộ phải họp ngoài đường vì không ai cho vào nhà, nay đến đâu cũng bị níu kéo uống chén rượu”, thượng tá Đạt cười và thấm thía: “Biên cương giữ được, phải từ lòng dân”… (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.