Lá phiếu tín nhiệm phải là mong muốn từ cử tri

22/10/2018 04:33 GMT+7

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng lá phiếu tín nhiệm phải gắn bó với cử tri, phải tham vấn cử tri.

Trả lời Thanh Niên về việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 này, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng (ảnh) cho rằng các đại biểu không thể đánh giá theo cảm nhận chủ quan của mình mà phải gắn bó với cử tri, phải tham vấn cử tri.
       Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, thực tiễn 2 lần lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội (QH) cũng như cấp HĐND trước đây cho thấy, sức ép được tạo ra ở mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm là có thật.
“Những người lần trước lấy phiếu tín nhiệm thấp thì sau đó đã rất cố gắng để trở thành những người có phiếu tín nhiệm cao trong lần sau. Như vậy, công việc sẽ được thúc đẩy và bản thân những người được lấy phiếu tín nhiệm cũng phải giữ gìn hơn”, ông Dũng nhận định.
Vừa lòng đại biểu không phải lúc nào cũng vừa lòng cử tri
Nhưng liệu sức ép này có tồn tại mặt trái không, thưa ông?
Tất nhiên, sức ép này cũng mang lại những “rủi ro”. Đầu tiên là vô hình trung, nó khiến các bộ trưởng, trưởng ngành và tiếp theo là các sở cấp dưới sẽ cố gắng để làm vừa lòng đại biểu (ĐB). Nếu vừa lòng ĐB đồng thời cũng là vừa lòng cử tri thì đương nhiên tốt. Nhưng nếu như việc vừa lòng ĐB với vừa lòng cử tri lại khác nhau thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp. Ví dụ gần đây nhất là việc 100% ĐB HĐND TP.HCM nhất trí thông qua việc xây dựng nhà hát giao hưởng nhưng với những phản ứng sau đó thì khó có thể nói 100% cử tri TP.HCM hân hoan với quyết định này.
Các ĐB có một ngàn lẻ một cách để tiếp cận thông tin, đặc biệt là tham vấn ý kiến cử tri. Họ hoàn toàn có thể cung cấp email, số ĐTDĐ, thậm chí sử dụng mạng xã hội để tiếp nhận các ý kiến đa chiều từ dư luận, cử tri. Vấn đề là ĐB có chủ động hay không bởi điều đó sẽ đòi hỏi ĐB phải chuyên nghiệp và có trách nhiệm hơn
 

Rủi ro thứ hai là việc cố gắng làm vừa lòng ĐB có thể làm chính sách trở nên méo mó, việc thực thi chính sách bị chậm trễ. Khi đó, công việc có thể sẽ bị đình trệ.
Vậy làm thế nào để chính kiến của các ĐB cũng chính là mong muốn của cử tri chứ không phải đánh giá chủ quan của họ?
Đó trước hết là trách nhiệm của các ĐB. Để chính kiến của ĐB tương đồng với chính kiến của cử tri bắt buộc các ĐB không thể đánh giá theo cảm nhận chủ quan của mình mà phải gắn bó với cử tri, phải tham vấn cử tri và phải là tham vấn thật.
Ngoài ra, phải có cách thức nào đó để các bộ trưởng, trưởng ngành, những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm có thể giải trình cho những quyết định, công việc của họ trước khi QH lấy phiếu tín nhiệm. Bởi nếu không có sự giải trình này thì sẽ rất khó cho các cơ quan hành pháp, công việc có thể bị đình trệ, những quyết định cần thiết có thể không được ban hành. Hoặc ít nhất, nếu như chúng ta vẫn triển khai như hiện nay thì nên nghĩ tới chuyện những người được có kết quả lấy phiếu tín nhiệm thấp tới mức phải đưa ra QH bỏ phiếu tín nhiệm thì họ phải có quyền giải trình. Đó mới là minh bạch và công bằng.
Không ai viết báo cáo lại “vạch áo cho người xem lưng”
Hiện nay, căn cứ để các ĐB đánh giá các bộ trưởng, trưởng ngành là báo cáo tự đánh giá dài 5 trang A4 được gửi tới các ĐBQH trước kỳ họp. Liệu sự “giải trình” này đã đủ để các ĐBQH có sự đánh giá chính xác và khách quan?
Báo cáo tự đánh giá là một nguồn thông tin có thể tham khảo. Tuy nhiên, khi viết báo cáo thì không ai lại “tự vạch áo cho người xem lưng” cả. Vì thế, nếu như một ĐB muốn có đủ cơ sở để khẳng định tôi tín nhiệm người này hoặc không tín nhiệm người kia thì khó có thể tìm thấy trong các báo cáo này được. Nó khó lòng có thể cung cấp cái nhìn đa chiều, nhất là cái nhìn có tính phản biện.
Tuy vậy, tôi cho rằng, về mặt kỹ thuật, các ĐB có một ngàn lẻ một cách để tiếp cận thông tin, đặc biệt là tham vấn ý kiến cử tri. Họ hoàn toàn có thể cung cấp email, số ĐTDĐ, thậm chí sử dụng mạng xã hội để tiếp nhận các ý kiến đa chiều từ dư luận, cử tri. Vấn đề là ĐB có chủ động hay không bởi điều đó sẽ đòi hỏi ĐB phải chuyên nghiệp và có trách nhiệm hơn.
Vừa rồi, Chủ tịch QH công khai yêu cầu các ĐB từ chối những lời mời gặp gỡ, giao lưu, dự tiệc từ các bộ, ngành trong suốt thời gian kỳ họp do kỳ họp này có việc lấy phiếu tín nhiệm. Nhưng có nên coi những cuộc gặp gỡ này như một “nỗ lực giải trình” của các bộ ngành?
Phải hiểu việc giải trình phải là giải trình trước QH, với quốc dân đồng bào chứ không phải giải trình với một nhóm nhỏ ĐB nào đó. Những cuộc gặp gỡ như vậy sẽ được hiểu là nhằm lấy cảm tình hay thậm chí gọi là “chạy phiếu” chứ không phải giải trình. Tất nhiên, sự “nỗ lực” để làm vừa lòng các ĐB ở đây là một tín hiệu rất đáng phấn khởi. Nhưng chúng ta sẽ phấn khởi hơn nếu các bộ trưởng, trưởng ngành nỗ lực để làm vừa lòng cử tri.
Về nguyên tắc thì các ĐB phải có những cuộc điều tra độc lập để từ đó đưa ra các đánh giá, nhưng điều đó là rất khó trong bối cảnh của chúng ta, thưa ông?
Thực tế, nghị sĩ là một nghề rất khó, thậm chí phải nói là quá khó. Tôi cho rằng, muốn làm được nghề đó phải có 2 điều kiện: đầu tiên anh phải có năng khiếu; thứ hai anh phải có cơ hội để trở nên chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, cơ chế cơ cấu thành phần ĐBQH ở ta khiến khả năng những người không có năng khiếu làm nghị sĩ lại trở thành nghị sĩ là rất lớn. Thứ nữa, để có những nghị sĩ giỏi thì điều kiện cần là họ phải trở nên chuyên nghiệp thông qua việc tái cử nhiều lần. Như trường hợp cựu nghị sĩ Mỹ John McCain vừa qua đời. Ông là một nghị sĩ chuyên nghiệp trong suốt nhiều chục năm liền. Còn ở ta, có lẽ cần có cơ chế rõ ràng hơn để những ĐB chuyên trách được tái cử và dần trở thành những nghị sĩ chuyên nghiệp. Có như vậy mới mong muốn có được viễn cảnh như chúng ta đang nói tới ở đây.
Khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14
Sáng nay (22.10), QH chính thức khai mạc kỳ họp thứ 6, QH khóa 14 tại Hà Nội. Tại kỳ họp kéo dài 24 ngày, từ 22.10 - 21.11, dự kiến QH sẽ dành 9 ngày rưỡi cho công tác lập pháp, 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, 1 ngày rưỡi công tác nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm và 10 ngày cho việc giám sát các chuyên đề của QH.
Một nội dung quan trọng tại kỳ họp lần này là QH sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước diễn ra vào ngày 23.10, một ngày sau khi khai mạc kỳ họp. Trước đó, tại hội nghị T.Ư 8, 100% ĐB có mặt đã thống nhất giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để QH bầu Chủ tịch nước. Theo dự kiến, kết quả bầu Chủ tịch nước sẽ được công bố vào chiều 23.10 và tân Chủ tịch nước sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ tại QH ngay sau đó. Ngoài ra, tại kỳ họp QH cũng phê chuẩn miễn nhiệm và bổ nhiệm đối với chức danh Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông.
Tiếp đó, trong các ngày 24 - 25.10, sau khi hoàn thành công tác nhân sự, QH sẽ tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với 48 trên tổng số 50 chức danh do QH bầu và phê chuẩn. Riêng 2 chức danh Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông do mới được bầu tại kỳ họp nên sẽ không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.
Việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn được thực hiện theo luật Giám sát của QH và HĐND 2015. Theo đó, tại kỳ họp cuối năm thứ 3 mỗi nhiệm kỳ, QH lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín với 3 mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban Thường vụ QH trình QH xem xét.
Trước đây, QH đã từng 2 lần lấy phiếu tín nhiệm. Vào tháng 6.2013, QH lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt. Tiếp đó, vào tháng 11.2014, QH lần thứ 2 lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.