Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm sớm 'để đảm bảo đánh giá công bằng'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/10/2018 05:16 GMT+7

Chiều 18.10, tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa 14, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định như trên.

Phần lớn các câu hỏi được báo chí trong và ngoài nước đưa ra tại cuộc họp báo đều xoay quanh vấn đề lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội (QH) bầu và phê chuẩn tại kỳ họp dự kiến khai mạc ngày 22.10.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vì sao lấy phiếu tín nhiệm được đẩy lên sớm vào đầu nhiệm kỳ thay vào giữa nhiệm kỳ như dự kiến và đây có phải là biện pháp để ngăn chặn tình trạng lobby, vận động hành lang trước khi lấy phiếu tín nhiệm, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết theo chương trình dự kiến, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện ngay ở đầu phiên họp, vào ngày 25.10, sau khi hoàn thành công tác nhân sự.
“Khi chất vấn thì chỉ có một số thành viên Chính phủ liên quan đến các nội dung trong các chuyên đề giám sát và nghị quyết của QH. Còn một số thành viên khác không có nội dung chất vấn. Trong khi đó, chất vấn có thể có những nội dung tốt hoặc chưa tốt, mà việc này dễ ảnh hướng đến lấy phiếu tín nhiệm, dẫn tới việc đánh giá không công bằng. Vì thế, nếu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn thì tất cả đều như nhau, như thế sẽ đánh giá công bằng”, ông Phúc giải thích.
Cũng theo Tổng thư ký QH, việc đánh giá để lấy phiếu tín nhiệm không phải chỉ dựa vào phiên chất vấn mà các đại biểu QH còn căn cứ vào quá trình công tác, mức độ hoàn thành nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến giữa nhiệm kỳ gần 3 năm và thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, qua theo dõi từng lĩnh vực hoạt động từng người phụ trách để đưa ra đánh giá. Bên cạnh đó còn căn cứ vào báo cáo tự đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ của những người thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm. “Chúng tôi đã gửi sớm toàn bộ hồ sơ đánh giá lấy phiếu tín nhiệm của những người thuộc diện lấy phiếu đợt này trước 30 ngày để đại biểu QH có thời gian nghiên cứu”, ông Phúc nói.
Trình 2 phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc
Thông tin về chương trình kỳ họp 6 sắp tới, Tổng thư ký QH cho biết kỳ họp sẽ diễn ra trong 24 ngày, từ 22.10 tới 21.11; trong đó sẽ dành 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, 1,5 ngày cho công tác nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm. Về công tác lập pháp, QH sẽ xem xét, thông qua luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); luật Công an nhân dân (sửa đổi); luật Đặc xá (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học; luật Chăn nuôi; luật Trồng trọt; luật Cảnh sát biển VN; luật Bảo vệ bí mật nhà nước; luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Ngoài ra, QH sẽ cho ý kiến về luật Giáo dục (sửa đổi); luật Kiến trúc; luật Quản lý thuế (sửa đổi); luật Đầu tư công (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi hành án hình sự; luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Thông tin thêm về luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), ông Phúc cho hay đây là dự án luật được dư luận xã hội, cử tri quan tâm, đã được QH xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Trong đó, vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau là xử lý tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Dự thảo đề xuất 2 phương án trình QH xem xét quyết định. Phương án 1 là việc xử lý sẽ do tòa án xem xét, quyết định. Phương án 2, trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Kiến nghị điều tra tin nhắn tống tiền lãnh đạo văn phòng đoàn ĐBQH
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về việc Văn phòng QH có nhận được thông tin vừa qua lãnh đạo văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) một số địa phương nhận tin nhắn tống tiền, ông Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận biết thông tin vụ việc này qua phản ánh của Báo Thanh Niên và đã có văn bản đề nghị các đoàn ĐBQH báo cáo. Tới sáng 18.10, Văn phòng QH nhận được báo cáo của 2 văn phòng đoàn ĐBQH xác nhận có vụ việc như báo chí phản ánh. Tuy nhiên, từ 17.10 Văn phòng QH đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị vào cuộc xác minh những thông tin này.
Tổng thư ký QH thông tin thêm, không chỉ một số trưởng, phó các đoàn ĐBQH Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Hà Nội nhận được các tin nhắn khủng bố, tống tiền, mà nhiều cán bộ đã nghỉ hưu cũng nhận được những tin nhắn kiểu này. “Thậm chí, có những chánh văn phòng đoàn ĐBQH đã nghỉ hưu được 1, 2 năm cũng nhận được tin nhắn. Có thể đối tượng này sử dụng một danh bạ cũ để nhắn tin hàng loạt nên không biết ai đã nghỉ hưu hay chưa”, ông Phúc nhận định, và cho biết những tin nhắn loại này một số cán bộ các đoàn ĐBQH đã nhận được từ khi QH thảo luận về luật An ninh mạng tại kỳ họp thứ 5, hồi tháng 6 vừa qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.