Làm đúng quy định, sợ gì CSGT kiểm tra?

03/02/2020 07:42 GMT+7

Liên quan đến việc xử lý “ xe không chính chủ ”, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí hiểu “mơ hồ”. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cũng thẳng thắn cho rằng: quy định đã có, thực hiện nghiêm thì đâu có chuyện bị phạt.

Trong bài viết Phạt “xe không chính chủ”, hiểu sao cho đúng?, các luật sư cho biết thực tế không có văn bản pháp luật nào quy định cụm từ “xe không chính chủ”. Khái niệm “xe không chính chủ” hình thành từ việc người dân tự hiểu nôm na rằng sử dụng xe không phải mình đứng tên sở hữu. Còn theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường kiểm tra giấy tờ xe, xử lý vi phạm sẽ không xác minh và xử phạt đối với hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình - PV).
Từ cách phân tích như trên, có bạn đọc (BĐ) nêu quan điểm: “Tôi không đồng tình với quy định này. Anh em cho xe nhau cũng phải làm giấy tờ sang tên, liệu có cần thiết không; tài xế chạy xe cho chủ cũng đâu phải “chính chủ”... Nếu CSGT muốn phạt thì đâu phải ai cũng rành hết các luật...”.

Công an cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền để người dân không hiểu lầm.

Quân Đỗ (Tiền Giang)

Tuy nhiên, một BĐ tên Pham Hoang Dien (Cần Thơ) đã phân tích ý kiến này bằng cách giả định về bản thân mình, như sau: “Bản thân tôi thấy rằng tôi có khả năng bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng do chạy chiếc xe Super Dream 2.100 USD do ba tôi đứng tên nhưng ông ấy đã mất năm 2005, gia đình mặc nhiên cho tôi rồi nhưng tôi không lo làm thủ tục thừa kế. Thực tế nếu CSGT tuần tra có kiểm tra (trên cơ sở thổi nồng độ cồn chẳng hạn, chứ không “khơi khơi” dừng phương tiện để hỏi giấy tờ trừ khi mình có vi phạm lỗi nào đó), khi đó tôi đưa cà vẹt mang tên ba tôi, tôi nói là mượn xe của ba tôi chẳng hạn thì cũng huề cả làng thôi, chứ CSGT có rảnh đâu mà đi điều tra ba tôi còn sống không? Còn mối quan hệ chắc CSGT họ có thể tham chiếu họ, quê quán, độ tuổi, có sự trùng hợp, logic.... Họ có thể hiểu tôi với ông đứng tên trên cà vẹt là cha con. Còn khi bạn vi phạm một vụ giao thông nghiêm trọng chẳng hạn, nhưng không làm thủ tục sang tên khi thừa kế, thì bị phạt thêm việc sử dụng xe nhưng không làm thủ tục sang tên khi thừa kế, từ ngữ mà chúng ta quen dùng là “không chính chủ”.
BĐ Kim Trần (TP.HCM) cũng bình luận: “Lái chiếc xe không phải của mình đâu có bị lỗi, khi nào mua bán xe (hoặc chuyển quyền sở hữu) mà không đăng ký sang tên mới bị phạt. Nói cho bạn biết chính tôi từng bị công an hình sự triệu tập lý do vì tôi bán xe 15 năm rồi mà người mua không đăng ký sang tên, xe bị trộm và bị sử dụng đi cướp giật. Bạn có muốn bị rắc rối như tôi không?”.
Trong “dòng chảy” tranh luận, nhiều BĐ cho rằng quy định phải làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô; xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô là cần thiết. Qua đó, cơ quan cức năng quản lý được phương tiện, đồng thời nhanh chóng xác minh chủ phương tiện, người sử dụng… trong trường hợp xảy ra sự cố trộm cắp, tai nạn… “Quy định có rồi, thực hiện nghiêm thì sợ gì bị phạt”, BĐ Quang Duy (TP.HCM) “chốt” lại.

Tôi thấy nhiều clip ghi lại là CSGT không chấp nhận giấy chứng nhận đăng ký xe bản photo có công chứng đối với người mua trả góp, CSGT đòi thêm hợp đồng mua xe trả góp. Trong trường hợp này cũng dễ giải quyết là: Nhà nước chấp nhận hình thức kinh doanh bán hàng trả góp thì cũng đề nghị cơ quan CSGT khi cấp giấy chứng nhận đăng ký xe cho người mua trả góp thì cấp 2 bản, 1 bản chính và 1 bản phụ, bản phụ này có giá trị sử dụng cho đến hết thời hạn trả góp. Như vậy tránh cho người mua xe tranh cãi với CSGT về việc giấy đăng ký photo công chứng hay bản chính.   

 Nguyễn Chí Thảo (TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.