Làm sao giải quyết bùn thải?

Chí Nhân
Chí Nhân
17/09/2018 07:22 GMT+7

Giải quyết bùn, chất thải ... từ nạo vét cảng biển như thế nào là vấn đề cần được đặt ra và giải quyết. Bởi thực tế, đã và đang còn rất nhiều dự án thép, điện than... với lượng bùn, chất thải cực lớn phải xử lý.

Dùng san lấp, mở rộng địa bàn...
Có nhất thiết cứ phải xem nguồn vật chất nạo vét là chất thải phải đổ ra biển hay không, ngay cả với lý luận nó không độc hại? Tại sao không nhìn chúng như là một dạng tài nguyên
TS Nguyễn Hữu Huân, Viện Hải dương học
Bình Thuận mới có công văn về việc báo cáo chủ trương phương án xử lý, sử dụng vật, chất nạo vét cảng, luồng và vũng quay tàu thay thế phương án nhận chìm xuống biển tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Cụ thể, UBND tỉnh thống nhất với Tập đoàn điện lực VN chọn phương án xây dựng kè chống xói lở kết hợp sử dụng vật, chất nạo vét cảng, luồng, vũng quay tàu để san lấp mặt bằng tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Như vậy toàn bộ vật, chất nạo vét 5,5 triệu m3 của dự án vũng quay tàu, cảng nhập than tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân sẽ được sử dụng để san lấp thay vì nhận chìm như ban đầu.
Trước đó, thời điểm cuối tháng 8, sau khi có nhiều thông tin không đồng tình về việc Trung tâm điện lực Quảng Trạch (thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) sẽ nhận chìm 2,5 triệu m3 đất, cát thải xuống vùng biển cách bờ hơn 3 hải lý, thay vì nhận chìm, chủ đầu tư đã quyết định sẽ dùng toàn bộ số bùn, cát nạo vét đó san lấp mặt bằng trong dự án.
TS Nguyễn Hữu Huân, thuộc Viện Hải dương học, nhận xét: Phát triển kinh tế biển thì chất thải nạo vét cảng là điều hiển nhiên. Do vậy cần phải có kế hoạch “ứng xử” một cách bài bản, chủ động, lâu dài với các vật chất này. Phải có phương án xử lý từng loại nguồn thải một cách lâu dài, ổn định theo thời gian hoạt động của các nhà máy.
Cần kiểm soát kỹ lưỡng
Hoạt động nhận chìm nếu không được quy định tốt sẽ gây tác hại ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng bao gồm: Các chất thải và các yếu tố độc hại có thể bị lan truyền trên diện tích rộng lớn một cách rất nhanh chóng. Các hoạt động nhận chìm có thể ảnh hưởng phá vỡ các khu vực cảnh quan, các rạn san hô ngầm dưới biển gây ô nhiễm môi trường biển và phá hoại cảnh quan phát triển du lịch. Việc nhận chìm mặc dù có thể thực hiện nhưng cần có quy hoạch, đánh giá tác động môi trường trước và sau nhận chìm đồng thời, các chất thải nhận chìm cần được kiểm soát rõ ràng và kỹ lưỡng để không gây ảnh hưởng môi trường trên diện rộng và lâu dài.
TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập
“Có nhất thiết cứ phải xem nguồn vật, chất nạo vét là chất thải phải đổ ra biển hay không, ngay cả với lý luận nó không độc hại? Tại sao không nhìn chúng như là một dạng tài nguyên để phục vụ xây dựng các công trình chống sạt lở ven biển, san lấp mặt bằng xây dựng các khu đô thị mới nếu chúng không chứa chất độc hại và phù hợp với vật liệu làm nền cho các công trình”, TS Huân đặt vấn đề và lập luận rằng mỗi năm, nước ta xây dựng rất nhiều khu đô thị mới ven biển cùng với hàng loạt khu vực bờ biển cần vật liệu phục vụ kè chắn sóng, chống sạt lở... Để làm việc đó, một lượng cực lớn đất đá phải lấy từ việc đào rừng, phá núi gây mất mỹ quan, sạt lở... Tại sao không nghiên cứu việc dùng chất thải nạo vét thay thế? Đã có nghiên cứu để trả lời là không hay chưa?
TS Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cũng cho rằng việc xử lý bùn đất nạo vét, cách tốt nhất là san lấp mặt bằng ven biển.
Thực tế ở nhiều nước châu Âu như Anh, Hà Lan, thì vật, chất nạo vét được ưu tiên tái sử dụng cho các mục đích xây dựng, một số nơi dùng bùn nạo vét để bồi đắp các khu vực ven biển, vùng đất bị tác động của thủy triều, vùng đầm lầy ngập mặn... Cụ thể như ở cảng Truro ở Cornwall (Anh) nghiên cứu khả năng trộn bùn nạo vét với chất thải sau khi sản xuất cao lanh để tạo ra vật liệu thay thế đất thông thường. Tại Hà Lan, nơi nổi tiếng với những cảng biển lớn của thế giới ưu tiên vật chất nạo vét tái sử dụng trực tiếp, xử lý để sinh lợi. Trong trường hợp vật, chất ô nhiễm nặng không xử lý được mới đổ bỏ ở cơ sở được cấp phép. Người Hà Lan dùng vật, chất nạo vét khoảng 30 triệu m3 mỗi năm để mở rộng lãnh thổ. Trước đây họ xây kè rồi đổ trực tiếp nhưng gần đây họ đổ chất nạo vét (không ô nhiễm) ở khu vực thích hợp để sóng biển đẩy vào bờ nhằm mở rộng diện tích theo cách tự nhiên nhất. Đây là kỹ thuật mới để chống sạt lở mà người Hà Lan đang phát triển gọi là “động cơ cát”.
TS Nguyễn Hữu Huân nói: “Chúng ta có thể tham khảo các bài học của thế giới nhưng phải lưu ý đặc điểm biển nhiệt đới của VN - tính đa dạng sinh học cao. Theo nghiên cứu về đặc điểm biển VN, trong trường hợp phải đổ vật, chất (không ô nhiễm) xuống biển, các bãi tiếp nhận phải có độ sâu trên 100 m, tối thiểu cũng phải sâu trên 80 m thì tác động đến hệ sinh thái ven bờ sẽ giảm đáng kể”.
Làm sao giải quyết bùn thải ?
Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) sử dụng vật chất nạo vét để san lấp Ảnh: Quế Hà

Nhận chìm vì ham rẻ và thiếu kết nối
Có một thực tế là ở VN, các doanh nghiệp và địa phương chỉ “thích” và liên tục đề xuất phương án xử lý bùn thải từ nạo vét bằng cách nhận chìm xuống biển. Mỗi lần như thế, dư luận lên tiếng phản đối, các nhà khoa học, các chuyên gia vào cuộc phân tích những hệ quả nặng nề với môi trường, sinh thái biển... khi đó, chủ đầu tư và chính quyền địa phương mới tìm giải pháp thay thế.
“Các dự án của chúng ta chỉ nhăm nhăm một phương án duy nhất là xả xuống biển, cách 4 - 5 hải lý vì như vậy vừa tiện vừa lợi và tiết kiệm tối đa chi phí. Trong khi về nguyên tắc xả thải thì đó phải là phương án cuối cùng. Thế giới trong trường hợp phải xả thải ra biển họ có tiêu chuẩn rất rõ ràng, quy hoạch, giám sát cẩn thận. Ở VN chưa có một khung pháp lý rõ ràng như vậy nên dư luận rất lo lắng. Hiện nay VN có rất nhiều dự án phát triển kinh tế ven biển cần có cảng. Nếu chưa có một chiến lược bài bản, cho phép một “ông” sẽ phải đồng ý với những ông khác và vấn đề sẽ rất khó quản lý về sau này”, TS Nguyễn Hữu Huân nói.
Ở một góc khác, TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho rằng nguyên nhân là do VN phát triển cắt khúc, chưa có chiến lược nên thiếu quy hoạch bài bản, dài hơi. TS Thuyên phân tích: Muốn phát triển kinh tế chúng ta cũng phải chấp nhận rác thải. Nếu chỉ nhìn nhận rác là rác và hạn chế hay cấm không cho thải thì không thể phát triển được. Ngay cả rác thải thông thường cũng cần được nhìn nhận như một dạng tài nguyên để tái chế, xử lý. Nếu nhìn nhận vấn đề như vậy thì chúng ta sẽ thấy cái gì cũng là tài nguyên có thể tận dụng được. Nhưng chúng ta cứ phải loay hoay xin, cho hay cấm vì chúng ta phát triển cắt khúc. Mỗi ông tự làm riêng một đoạn mà không có sự kết nối, chiến lược.
“Chất nạo vét không phải là chất thải nếu chúng ta biết cách phát triển có liên kết. Ví dụ rõ nhất là Singapore mở rộng diện tích lãnh thổ đến 20% so với trước kia. Vật chất dùng để mở rộng ở đâu ra? Một phần không nhỏ là từ những chất nạo vét đấy. Ở VN hiện nay cũng có những dự án lấn biển, ven biển. Tại sao không xây dựng chiến lược kết nối các dự án này với nhau để tận dụng nguồn tài nguyên?”, TS Thuyên nói.
Nhận chìm phải là giải pháp cuối cùng
Theo Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh) dọc bờ biển VN từ Bắc tới Nam “ôm” hàng loạt dự án nhiệt điện than. Mỗi dự án này gắn với một dự án cảng biển để vận chuyển than. Cảng biển không chỉ nạo vét một lần mà hằng năm hoặc vài năm phải nạo vét duy tu, chất thải tích lũy là rất lớn. Vì vậy, cần chủ động nghiên cứu phương án xử lý các chất này một cách bài bản, mang tầm chiến lược vì nguồn thải sẽ tích lũy lớn trong thời gian dài.
Thừa nhận trên thế giới vẫn cho phép việc đổ thải, nhưng TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), nhấn mạnh tất cả đều có nghiên cứu, quy hoạch, chuẩn bị bài bản và thực hiện hết sức cẩn trọng. Đặc biệt, vấn đề không phải là có tác động hay không khi đổ thải vì tác động là không thể tránh khỏi. Cái họ quan tâm chính là phương án đổ thải có phải là tối ưu không? Nghĩa là cần chứng minh cơ sở để kết luận phương án chọn lựa (đổ chất thải ra biển) xét trên tổng thể là tối ưu (độ an toàn, tác động môi trường, ảnh hưởng đa dạng sinh học, cảnh quan, an sinh xã hội, hiệu quả kinh tế...).
“Ở nước ta, trước đây, việc đổ thải không được quan tâm nhiều do lượng chất thải còn ít. Nhưng hiện tại, khi lượng chất thải đưa ra biển ngày càng nhiều thì vấn đề môi trường cần phải được xem xét hết sức cẩn trọng, chu đáo. Cần phải chủ động nghiên cứu phương án xử lý chất thải nạo vét thật toàn diện, mang tầm chiến lược, trong đó đổ chất thải xuống biển chỉ nên là giải pháp được xem xét, đánh giá để có thể lựa chọn, nếu các giải pháp khác không khả thi. Tuy nhiên, dù cho giải pháp đổ thải ra biển được chọn lựa, cũng cần phải nghiên cứu tổng thể để có thể quy hoạch vùng đổ chất thải, dự báo chính xác nguồn chất thải theo thời gian, đánh giá tác động tổng hợp của các giải pháp xử lý để có thể chọn lựa phương án đổ thải đảm bảo an toàn môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học biển...”, TS Thuyên nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng tốt nhất là nên giảm các dự án điện than. Bởi không chỉ đứng trước lượng bùn thải khổng lồ phải giải quyết, phát triển điện than còn đưa lại nhiều hệ lụy cho môi trường, kinh tế. Hiện các dự án điện than phần lớn sẽ phải nhập khẩu than từ Trung Quốc, Indonesia hay Úc... Điều này về lâu dài sẽ khiến VN mất “tự chủ” an ninh năng lượng trong xu thế giá than ngày một tăng. Một lo ngại khác, các dự án điện than của VN nhiều khả năng sẽ là “bãi đáp” công nghệ điện than đang thoái trào ở Trung Quốc. Theo phân tích số liệu của Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), cách nay 2 năm Trung Quốc chính là nhà đầu tư vào điện than VN lớn nhất với số vốn hơn 8 tỉ USD.
Thực tế, sự phát triển mạnh của điện gió và điện mặt trời hiện nay cần xem lại quy hoạch điện than. Đặc biệt, Thủ tướng mới ký Quyết định 39/2018/QD-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió. Theo đó, giá điện gió sẽ tăng từ 7,8 lên 8,5 cent (Mỹ) cho các dự án điện gió trong đất liền và 9,8 cent cho các dự án điện gió trên biển. Ông Tobias Cossen, Chương trình Hỗ trợ năng lượng của Tổ chức GIZ (Đức), đánh giá với tín hiệu rõ ràng khi Chính phủ tăng giá bán điện gió, chúng tôi hy vọng nhiều dự án sẽ được xúc tiến và nhanh chóng đi vào hoạt động.
Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.