Lâm tặc ngang nhiên đốn hạ gỗ rừng tại Nghệ An

Khánh Hoan
Khánh Hoan
17/04/2020 06:21 GMT+7

Hàng loạt cây gỗ táu muối có đường kính trên 50 cm đã bị lâm tặc đốn hạ ở các khu rừng thuộc huyện Quế Phong (Nghệ An). Khi cơ quan chức năng phát hiện rừng bị phá , thì lâm tặc đã... “cao chạy xa bay”.

Lần theo con đường mới mở chạy giữa rừng để vận chuyển vật liệu thi công thủy điện Nậm Giải (xã Nậm Giải,  huyện Quế Phong, Nghệ An), cuối tháng 3 vừa qua, phóng viên Thanh Niên tiếp cận hiện trường vụ phá rừng tại đây.

Phá rừng sát đường xây dựng thủy điện

Đứng dưới con đường này nhìn lên, dấu vết của vụ phá rừng vẫn còn rất rõ với mùn cưa, vết lằn vận chuyển gỗ và cành cây vứt bỏ lại. Sau khi theo chân một người dân địa phương vượt ta luy dương bên đường cao khoảng 3 m, và một quãng đường tầm hơn trăm mét chằng chịt cây bụi, dây leo, phóng viên Thanh Niên chứng kiến trong phạm vi chỉ chưa đầy 1.000 m2, có hơn 10 cây gỗ có đường kính hơn vòng tay 1 người ôm, chỉ còn trơ lại gốc, vết cắt đang còn khá mới; bên cạnh vương vãi cành ngọn và những tấm bìa gỗ lâm tặc bỏ lại. Một vài cây đã đốn hạ nhưng chưa kịp di chuyển đang nằm chỏng chơ dưới đám cây bụi.

Lâm tặc đốn hàng loạt cây rừng có đường kính gần 1m, kiểm lâm không hay biết

Con đường dùng để thi công thủy điện này dài chỉ khoảng 2 km, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, có gần 10 khu vực rừng bị lâm tặc đốn hạ gỗ. Có điểm vài ba cây, nhưng có điểm hàng chục cây gỗ lớn đã bị đốn, có những cây gỗ nằm sát bên đường cũng bị chặt hạ.
Đặc biệt, tại điểm rừng cách công trình đập thủy điện đang xây dựng khoảng 300 m và cách con đường vận chuyển vật liệu chỉ tầm 200 m, có khoảng 20 cây gỗ lớn đã bị lâm tặc “dọn” đi. Có những cây đường kính gần 1 m, trơ gốc, vết cắt còn khá mới... Nhiều lóng gỗ còn bỏ sót lại to khoảng 2 người ôm; nhiều tấm bìa gỗ đã xẻ bị vứt bỏ lại.
Tại khu rừng thuộc bản Na Bón (xã Tiền Phong, huyện Quế Phong), một vụ phá rừng có tổ chức khác cũng vừa xảy ra vào cuối năm 2019. Tại đây, theo ghi nhận của phóng viên, có hàng chục cây gỗ lớn đã bị lâm tặc chặt hạ, mở đường vào, dùng xe kéo để kéo gỗ ra khỏi rừng.

Do lực lượng kiểm lâm quá mỏng?

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong, cho biết vào cuối tháng 12.2019, Hạt phát hiện các vụ phá rừng ở xã Nậm Giải và xã Tiền Phong. Tuy nhiên, khi đến kiểm tra hiện trường thì lâm tặc đã bỏ đi và còn bỏ lại một số lượng gỗ khá lớn đã được xẻ thành hộp. Lực lượng kiểm lâm dùng “kế nghi binh”, chờ lâm tặc quay trở lại để phục bắt, nhưng chờ đến sát tết Nguyên đán Canh Tý, lâm tặc vẫn không quay lại, nên đã cho kéo về.
Ông Hùng cho biết thêm, tại khu rừng xã Nậm Giải, số gỗ thu về là hơn 8,2 m3, chủ yếu là gỗ táu muối. Theo ghi nhận của phóng viên, có khoảng 50 cây gỗ ở đây đã bị chặt hạ, dấu vết còn khá mới, nhưng theo ông Hùng, qua kiểm đếm, chỉ có 33 cây. “Số còn lại là các cây có vết cưa đã cũ nên không kiểm đếm”, ông Hùng nói. Tại bản Na Bón, lực lượng kiểm lâm cũng thu giữ 4,2 m3 gỗ táu muối và kiểm đếm có 52 cây gỗ đã bị đốn hạ.
Cả 2 khu vực rừng bị chặt phá thuộc rừng khoanh nuôi đã giao khoán cho người dân bảo vệ. Tuy nhiên, theo ông Hùng, các chủ rừng (hộ dân nhận bảo vệ - phóng viên) cho rằng họ không biết ai phá. “Để xảy ra phá rừng, trách nhiệm đầu tiên là của chủ rừng, chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn”, ông Hùng nói. Ông Hùng cũng cho rằng, do lực lượng kiểm lâm quá mỏng, mỗi kiểm lâm viên phụ trách 1 xã hơn 10.000 ha rừng, nên rất khó kiểm soát hết và lâm tặc đã lợi dụng việc này để phá rừng.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết huyện đã chỉ đạo công an vào cuộc điều tra các vụ phá rừng này, với quan điểm "sẽ xử lý nghiêm".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.