“Vô nghĩa, trái thuần phong mỹ tục”
Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) vừa có công văn gửi các địa phương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola. Theo đó, hiện nay, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Cụm từ này, theo Cục có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam... Do đó, Cục đề nghị Sở VH-TT-DL các địa phương kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca-Cola đã tiếp nhận. Từ đó yêu cầu doanh nghiệp chỉnh sửa cụm từ “Mở lon Việt Nam”.
tin liên quan
Cấm 'Lon Việt Nam' gây hệ lụy lớn là liên tưởng méo mó về ngôn ngữGiải thích thêm, lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở cho rằng: “Cụm từ “lon Việt Nam” trong cụm từ “Mở lon Việt Nam” là không có nghĩa. Trong tiếng Việt không có từ “lon Việt Nam”. Chưa kể bản thân chữ lon đặt cạnh cái khác là rất phản cảm và thiếu văn hóa, thiếu thẩm mỹ. Ví dụ như có thể thêm mũ thêm rất nhiều thứ. Nó mà ở các phương tiện quảng cáo ngoài trời, có nhiều tình huống có thể thêm mũ thêm dấu vào từ đó. Vì vậy nó rất là rất khủng khiếp nếu chữ đó nó chềnh ềnh ra trên biển quảng cáo ngoài trời”.
Nhiều bạn đọc (BĐ) đồng tình với quyết định cấm của cơ quan chức năng, rằng cụm từ này là vô nghĩa và nhạy cảm, ai đọc vào cũng dễ liên tưởng. “Một slogan không có ý nghĩa, Coca-Cola đâu phải là của Việt Nam đâu, với lại Coca-Cola cũng có chai mà? Với câu “Mở lon Việt Nam” thì ai dám chắc người tạo ra nó không có ý nghĩ dung tục chứ? Vì bây giờ lên internet luôn bắt gặp những câu nói, những hình ảnh dung tục để PR cho mình”, BĐ Nhân (Hậu Giang) đưa ra ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Phạm Duy (TP.HCM) cho rằng: “Từ “Việt Nam” không thể dùng tùy tiện được, Coca-Cola đâu đại diện cho Việt Nam về thương hiệu nước ngọt, từ “Mở lon Việt Nam” có nghĩa gì, rõ ràng không có nghĩa, ít nhất phải dùng rõ nghĩa như: Mở lon Coca-Cola tại Việt Nam”.
“Trong từ điển có cụm từ nào là “Mở lon Việt Nam” không? Mở lon bia, lon nước ngọt chứ lon Việt Nam là cái lon gì? Không phải là tối nghĩa mà vô nghĩa, vô ý thức”, một BĐ có địa chỉ mail vietnet...@gmail.com viết.
Thế nào là không phù hợp với thuần phong mỹ tục ?
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với chuyện cấm nêu trên. Nhiều BĐ cho rằng tiếng Việt có dấu rõ ràng, chữ nào ra chữ đó, không thể suy diễn rồi đánh đồng như vậy được.
“Xem trên từ điển có định nghĩa lon là hộp kim loại đựng thực phẩm, slogan thường ngắn gọn, tạo được hình ảnh. Trong từ điển người ta lấy ví dụ là lon nước yến, lon sữa. Tôi thấy chuyện bình thường cứ đào ra làm gì cho sinh chuyện. “Mở lon Việt Nam” thì phải hiểu là lon coca, có kèm theo hình ảnh mà, ai biểu nghĩ sâu làm chi”, BĐ Trần Hùng (Quảng Nam) nêu ý kiến.
Trong khi đó BĐ Huynh Trần (TP.HCM) chất vấn: “Phản cảm hay không phản cảm là do suy nghĩ tư duy trình độ văn hóa của mỗi người, chưa đến mức làm quá lên những chuyện không đáng như vậy”. Đồng tình với Huynh Trần, BĐ Trần Minh (TP.HCM) cho rằng: “Cách nghĩ không trong sáng thì từ nào cũng có thể suy diễn...”.
“Thế nào là không phù hợp với thuần phong mỹ tục? Từ “lon” không đồng âm với các từ ngữ gây phản cảm hay gây mất thuần phong mỹ tục. Từ “lon” dù có đọc hay nghĩ như thế nào thì nó cũng là lon thôi. Nếu đã nói là lỗi thuần phong mỹ tục thì phải chỉ ra được thật rõ ràng, cụ thể, chứ không có kiểu nói mơ hồ”, BĐ Tú Liêm (TP.HCM) nêu ý kiến.
Bình luận (0)