Lãng phí “có mặt” ở hầu khắp các lĩnh vực

18/03/2013 16:46 GMT+7

(TNO) Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp Thường vụ Quốc hội (TVQH) hôm nay 18.3, sau 7 năm triển khai thực hiện luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí , bên cạnh nhiều kết quả đạt được cho thấy tình trạng lãng phí xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực còn phổ biến, chưa ngăn chặn được.

>> Khắc phục lãng phí nước
>> Quá lãng phí !
>> Để tránh lãng phí nhân lực trình độ cao
>> Còn bệnh thành tích thì còn lãng phí
>> Chỉ thị của Ban Bí thư về tiết kiệm, chống lãng phí
>> Lãng phí tàu khổng lồ
>> Lãng phí đất nông lâm trường

Chiều nay 18.3, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến bước đầu về dự luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Tờ trình của Chính phủ nhận định bên cạnh việc “thu được kết quả đáng khích lệ về tiết kiệm” thì “tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được, vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực”, từ lĩnh vực quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) chi thường xuyên; quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, đến lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước. Thậm chí, lãng phí cả trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Đơn cử, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng kinh phí NSNN chi thường xuyên, Chính phủ cho hay “ở một số cơ quan, đơn vị, vẫn còn tình trạng chi vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc sử dụng kinh phí sai mục đích; không thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến lãng phí hoặc sử dụng không hiệu quả kinh phí NSNN được giao làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN”.

Theo đó, từ 2006 - 2010, các đơn vị ngành tài chính thực hiện 32.933 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác điều hành, quản lý và sử dụng kinh phí NSNN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỉ đồng, trong đó: thu hồi nộp NSNN 15.037 tỉ đồng; xử phạt hành chính 1.037 tỉ đồng; xử lý tài chính khác  2.398  tỉ đồng.

Giai đoạn từ 2006 đến tháng 7.2012, hệ thống kho bạc nhà nước đã thực hiện kiểm soát và phát hiện trên 219.000 khoản chi của hơn 96.443 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết, đã từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 2.086 tỉ đồng. 

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự luật sửa đổi, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, khi tình trạng lãng phí đang là vấn đề nhức nhối, việc sửa đổi luật phải lấy chống lãng phí là trọng tâm. “Do đó, nội dung của luật cần tập trung vào các quy định về cơ chế phát hiện, chế độ trách nhiệm, biện pháp chế tài nghiêm minh để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lãng phí các nguồn lực. Tuy nhiên, việc sửa đổi luật cũng phải đáp ứng yêu cầu tôn trọng quyền sở hữu, bảo đảm quyền tự định đoạt vốn, tài sản thuộc sở hữu của mỗi tổ chức, cá nhân theo đúng Hiến pháp và pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban này, ông Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm tại phiên họp.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra vô số các quy định sửa đổi chưa thể giải quyết triệt để các bất cập đặt ra trong thực tiễn triển khai luật hiện hành, như về nội dung thực hành tiết kiệm, các quy định về mảng thực hành tiết kiệm trong dự thảo còn mỏng, chưa bao quát hết các vấn đề cần điều chỉnh; việc ban hành cơ chế, chính sách không phù hợp, thiếu tính khả thi, không tính đến nguồn lực thực tế cũng là nguyên nhân dẫn đến lãng phí lớn, tuy nhiên vấn đề này chưa được quy định trong dự thảo luật. Do đó, đề nghị bổ sung về trách nhiệm đối với việc quyết định, ban hành chính sách.

Đáng chú ý, theo cơ quan thẩm tra, căn cứ vào Tờ trình của Chính phủ thì một trong những lý do, mục tiêu sửa đổi luật là nhằm tăng cường tính công khai trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, “hoàn thiện thêm cơ chế đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu lực, hiệu quả thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong các lĩnh vực thực hành tiết kiệm chống lãng phí”. Tuy nhiên, đối chiếu các quy định dự thảo luật cho thấy các quy định về nội dung này chưa đầy đủ, chưa thể bảo đảm hình thành một cơ chế đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu lực, hiệu quả.

“Dự thảo luật mới chỉ có 1 điều (Điều 10) quy định về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí và 1 điều (Điều 11) về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc chung”, ông Hiển dẫn chứng.

Từ phân tích trên, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị dự thảo luật cần bổ sung các quy định chi tiết hơn về công khai, minh bạch việc quản lý sử dụng tài sản, tiền vốn, tài nguyên trong hoạt động sản xuất kinh doanh; cơ chế khuyến khích phát hiện hành vi lãng phí, hình thức thông tin, cơ quan và tổ chức tiếp nhận thông tin; trách nhiệm xử lý thông tin kịp thời...  

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.