Lãnh đạo địa phương 'đè' đại biểu Quốc hội

Vũ Hân
Vũ Hân
29/10/2019 17:31 GMT+7

“Cứ cơ chế như hiện nay thì Quốc hội là trái tim yếu đuối , vì đại biểu dân cử không hoàn toàn là dân cử, không hoàn toàn là chính khách, mà họ còn là công chức của các cơ quan hành pháp và tư pháp".

Lãnh đạo địa phương “đè” lên đại biểu Quốc hội

Thảo luận tại tổ về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết cá nhân ông cảm nhận “từ trước tới nay chúng ta có nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng đắn đường lối của Đảng cũng như quy định của pháp luật về vị trí vai trò của Quốc hội cũng như của đại biểu Quốc hội; vì thế, chúng ta đã không có đối xử một cách đầy đủ và đúng đắn với các thiết chế do Quốc hội đặt ra”.
Ông Nhưỡng lấy ví dụ, ông đã từng hỏi một lãnh đạo địa phương: “Đồng chí nghĩ như thế nào mà đặt biển tên đồng chí phó đoàn đại biểu Quốc hội sau biển tên của đồng chí phó chủ tịch tỉnh?”, và nhận được câu trả lời là “do thói quen”. Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, đây không phải là thói quen, mà là nhận thức.
Cũng theo ông Nhưỡng, hiện nhận thức về vai trò của Đảng với công tác của Quốc hội cũng sai.
“Có cảm giác lãnh đạo địa phương “đè” lên đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội là của Quốc gia nằm ở địa phương thôi, nhưng vì công tác cán bộ liên quan đến cấp ủy, thường vụ, đến sự phát triển, đến quy hoạch,… thành ra tất cả chi phối hết từ tâm tư, nguyện vọng đến hoạt động của các đại biểu. Trong khi Hiến pháp quy định rất rõ, Đảng lãnh đạo đất nước, nhưng mọi cơ quan của Đảng, đảng viên hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật thì phải thượng tôn pháp luật chứ? Tôi cho rằng vì câu chuyện ấy ảnh hưởng đến vai trò của các thiết chế của Quốc hội, nên phải có sự thay đổi, phải nhận thức lại”, ông Nhưỡng phát biểu thêm.
Theo ông Nhưỡng, nếu như dự thảo hiện nay, cán bộ và kinh phí của đoàn đại biểu Quốc hội đều do chính địa phương bảo đảm, thì không thể khẳng định được vai trò của đoàn đại biểu, của đại biểu, mà chỉ là “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.
"Nhiều đồng chí đại biểu Quốc hội không phát huy được vai trò vì toàn bộ vận mệnh chính trị, vị trí, quyền lợi của các đồng chí gắn với địa phương và địa phương chi phối", ông Nhưỡng nói thẳng.  
Có quan điểm tương tự, đại biểu Trần Văn Quý (Hưng Yên) cho rằng, phải coi đoàn ĐBQH là một bộ phận của Quốc hội đặt ở địa phương, chứ không thể coi là 1 cơ quan của địa phương.
“Dự thảo quy định các điều kiện đảm bảo hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đẩy hết về địa phương, tôi thấy không hợp lý. Từng địa phương vẫn có độ vênh nhất định (giữa đoàn đại biểu Quốc hội và chính quyền địa phương - PV). Có anh Trọng làm Chủ tịch địa phương đây (ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - PV), Đoàn ĐBQH tỉnh xin anh kinh phí để đi giám sát chính anh chắc là khó”, ông Quý nói.

“Dường như chúng ta đang vi phạm nguyên tắc tối cao của Hiến pháp”

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng nói đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội, nhưng theo ông Nhưỡng, đại biểu Quốc hội là trái tim của Quốc hội, vì không có đại biểu thì không có Quốc hội.
“Đại biểu hoạt động nhiều, tích cực, đấy là trái tim khỏe, thì Quốc hội mới thực sự khỏe. Nếu đến Quốc hội, đại biểu cứ ngồi im thin thít, không bàn cái gì, thì đó là Quốc hội gì? Quốc hội chỉ có bấm nút thì là Quốc hội gì? Quốc hội chỉ có xuôi chiều có còn là Quốc hội nữa không? Nhân dân có kỳ vọng vào Quốc hội nữa không?”, ông Nhưỡng đặt câu hỏi, và cho rằng "cứ cơ chế như hiện nay thì Quốc hội là trái tim yếu đuối”, vì đại biểu dân cử không hoàn toàn là dân cử, không hoàn toàn là chính khách, mà họ còn là công chức của các cơ quan hành pháp và tư pháp, mới dẫn đến câu chuyện phát biểu theo kiểu lợi ích nhóm trong Quốc hội.
“Dường như chúng ta đang vi phạm nguyên tắc tối cao của Hiến pháp. Vế thứ nhất, quyền lực là thống nhất thì chúng ta đã làm được, nhưng vế thứ 2 rất quan trọng, chúng ta làm sai: đó là có sự phân công, phối hợp và kiểm soát. Nếu anh vừa đá bóng, vừa thổi còi thì ai kiểm soát anh? Anh tự kiểm soát anh à? Đây là vi phạm rất nặng Hiến pháp”, ông Nhưỡng bày tỏ, và cho rằng muốn tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội thì không thể chỉ sửa câu chữ như dự thảo hiện nay, mà phải tăng cường vai trò của đại biểu Quốc hội.
Muốn thế, theo ông Nhưỡng, phải thiết kế lại vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội, từ quá trình bầu cử và hệ thống đại biểu chuyên trách.
“Rất mong chúng ta có một Quốc hội chuyên trách thì mới có sức mạnh”, theo ông Nhưỡng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.