Đây là ý kiến của chuyên gia về lao động và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp sau khi kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) vừa được Kiểm toán Nhà nước hoàn thành.
Nộp phí công đoàn cấp trên chỉ nên khoảng 10-15%
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, hiện nay doanh nghiệp (DN) phải đóng kinh phí công đoàn là 2% của quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (NLĐ) và đoàn phí công đoàn do người lao động (NLĐ) đóng góp là 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Theo quy định về kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn năm 2020, DN được sử dụng 70% tổng số thu phí công đoàn (tăng 1% so với năm 2019). Công đoàn cấp trên được sử dụng 30% sổng số thu phí công đoàn (giảm 1% so với năm 2019). Còn đoàn phí công đoàn, công đoàn cơ ở được sử dụng 60% và 40% đoàn phí nộp lên trên.
Tuy nhiên, theo ông Huân, kết quả của Kiểm toán Nhà nước năm 2019 cho thấy, tỷ lệ chi trực tiếp chăm lo cho NLĐ mới chỉ chiếm 46% tổng nguồn tài chính công đoàn được sử dụng trong năm là quá thấp.
Ông Huân chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng đã từng có ý kiến, ở cấp công đoàn cơ sở đang thiếu kinh phí hoạt động chăm lo cho NLĐ, thì nên để lại phần lớn kinh phí ở dưới cơ sở. Còn ở công đoàn cấp trên phải tìm các nguồn khác để bù vào. DN họ có ý kiến cái này nhiều lắm, không thể lấy tiền của DN và NLĐ đóng góp sử dụng vào việc khác”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng, tỷ lệ kinh phí công đoàn nộp lên trên 30% là quá cao, cần phải sửa đổi, giảm xuống càng nhiều càng tốt.
“Ở cơ sở phải để lại kinh phí từ 85-90%, còn nộp lên trên khoảng 10-15%. Cái chính là tiền đóng góp để phục vụ cho hoạt động ở dưới. Còn đoàn phí công đoàn cũng nên để tỷ lệ 80% ở dưới và 20% nộp lên trên thì các hoạt động ở cấp cơ sở mới mạnh được. Công đoàn cấp trên chỉ nên lấy một phần kinh phí, còn một phần phải tự chủ hoạt động để sinh lời lãi lấy tiền nuôi bộ máy. Nếu lấy kinh phí chủ yếu ở cấp cơ sở để nuôi cấp trên thì làm sao công đoàn cấp dưới có tiền hoạt động được?”, ông Huân nêu quan điểm.
“Chúng tôi mong muốn năm nay DN được miễn thu phí công đoàn, khoan sức dân..."
Đồng tình với kiến nghị Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chấm dứt cho vay từ nguồn tích lũy tài chính công đoàn, do hoạt động này gây thất thoát kinh phí và không đúng quy định của Kiểm toán Nhà nước, ông Phạm Minh Huân bày tỏ: “Lấy tiền của DN và NLĐ gửi ngân hàng là có tội, công đoàn nên chấm dứt hoạt động cho vay, chi nhiều hơn cho hoạt động chăm lo đối với NLĐ. Đáng lý, kể cả gửi ngân hàng, anh chi tiêu không hết, thì phải lấy tiền lãi, tiền nhàn rỗi quay lại cổ vũ cho các hoạt động phong trào ở dưới, chứ không thể lấy lãi đó tích gộp làm nguồn tích lũy. Bây giờ mới có 1 tổ chức công đoàn, nếu quan tâm chăm lo cho NLĐ họ sẽ yên tâm đứng trong hàng ngũ của công đoàn. Nay mai, theo bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019, sẽ có thêm tổ chức khác của NLĐ, nếu chăm lo không tốt, NLĐ sẽ bỏ anh mà đi”.
PGS-TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, cũng nhìn nhận: “Công đoàn cấp trên lấy kinh phí tích lũy đi gửi ngân hàng là chưa đúng. Đây là khoản tiền của NLĐ và DN đóng góp, chứ không phải là tiền của Nhà nước dành cho NLĐ. Vì vậy, nên để khoản tiền này dành tổ chức các hoạt động cho NLĐ, thăm nom lúc NLĐ ốm đau hay các hoạt động hiếu, hỉ…”.
Khá bất ngờ trước thông tin kinh phí đóng góp công đoàn của DN và đoàn phí của NLĐ trích nộp lên công đoàn cấp trên được sử dụng cho vay lấy lãi, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa tái sinh (Hiệp hội Nhựa Việt Nam), cũng bày tỏ: “Tôi không rõ có quy định nào phí công đoàn được sử dụng để cho vay lấy lãi hay không, nhưng theo tôi như vậy là rất bất hợp lý. Năm 2019, khi tăng phí công đoàn lên 2%, nhiều DN trong Hiệp hội đã phản ứng rất mạnh. Phí thu đáng lẽ ra một phần nào đó cũng nên chi trực tiếp cho DN để người ta chăm sóc phúc lợi công đoàn ở DN. Bây giờ thu lên trên nhiều, lại đem cho vay tiền, nhưng hoạt động chăm lo cho NLĐ ở dưới ít là không được. Tổng LĐLĐVN cần phải minh bạch, rõ ràng các khoản thu chi”.
Theo ông Vượng, DN hiện nay đang rất khó khăn, năm 2019 vừa tăng lương lương tối thiểu, vừa tăng phí công đoàn lên 2%. Sang năm 2020 lại gặp dịch Covid-19, DN không thể chịu nổi, vừa phải gồng mình sản xuất kinh doanh, vừa phải chăm lo cho NLĐ.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), chia sẻ: “Lâu nay chúng tôi vẫn kiến nghị thu phí công đoàn 2% là quá cao so với khả năng đóng góp của DN. Năm nay, DN vừa phải gồng mình sản xuất, trả lương, chăm lo cho NLĐ, chúng tôi tiếp tục tiếp tục đề nghị xem xét lại mức này. Kiểm toán Nhà nước đã vào cuộc, chúng tôi mong muốn năm nay DN được miễn thu phí công đoàn, khoan sức dân để DN có thể vực dậy sau dịch bệnh. Các DN sẽ chủ động tự chi, chăm lo cho NLĐ”.
Bình luận (0)