Liên quan đến vụ việc của PV Nguyễn Hoài Nam

07/10/2014 12:05 GMT+7

(TNO) Ngày 8.9.2014, Bộ Công an đã có Công văn 2982/BCA-CATPHCM gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động báo chí.

Nội dung công văn này xác định vi phạm về việc “đưa hối lộ” của phóng viên (PV) Nguyễn Hoài Nam (Báo Thanh Niên) trong quá trình tác nghiệp, phối hợp với lái xe để thực hiện loạt bài điều tra Cảnh sát trật tự cơ động làm luật (đăng trên Báo Thanh Niên từ ngày 17 đến 19.12.2012). Xét mục đích, việc làm của PV Nguyễn Hoài Nam và lái xe Trần Ngọc Phúc nhằm chống tiêu cực nên không xử lý hình sự mà đề nghị xử lý bằng biện pháp hành chính. Công văn 2982/BCA-CATPHCM cũng đã nêu về vi phạm hành chính của một số cán bộ, chiến sĩ CSTT-CĐ và CSGT có liên quan; về tác nghiệp của PV và công tác quản lý của Ban Biên tập Báo Thanh Niên.

Bộ Công an đã đề nghị việc kỷ luật, thu hồi Thẻ Nhà báo của PV Nguyễn Hoài Nam theo quy định của Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung năm 1999); kiểm điểm Ban Biên tập Báo Thanh Niên về sơ hở trong việc kiểm duyệt thực hiện đề tài và việc quản lý thiếu chặt chẽ để xảy ra vi phạm của phóng viên; rút kinh nghiệm trong toàn ngành báo chí để không tái diễn sai phạm tương tự.

Hoài Nam 2
Phóng viên Hoài Nam tác nghiệp trên sông Thị Vải lúc 23 giờ 40 phút trong loạt bài Nạo vét sông Thị Vải - Sự mờ ám kinh tởm - Ảnh: CTV

Ngày 29.9.2014, tại Hà Nội, lãnh đạo Hội LHTN Việt Nam, Báo Thanh Niên và PV Nguyễn Hoài Nam đã  làm việc, báo cáo giải trình với Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) về những kiến nghị trong Công văn 2982/BCA-CATPHCM nói trên. Tiếp thu nội dung kết luận cuộc họp này, sau đó, Ban Biên tập Báo Thanh Niên đã họp kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, điều hành PV và đưa ra hướng xử lý cụ thể đối với PV Nguyễn Hoài Nam.

Liên quan đến vi phạm “cài bẫy” của PV Nguyễn Hoài Nam đối với người vi phạm (nhận hối lộ) thì khái niệm này không có trong các văn bản quy phạm pháp luật, thường được dùng trong phạm trù đạo đức, hoặc đạo đức nghề nghiệp nói riêng. “Cài bẫy” trong biểu hiện thực tế gồm nhiều hành vi, trong đó có những việc nhằm làm cho người khác phải chủ quan, sơ hở, không muốn hay vô ý mà lại mắc phải thiếu sót, vi phạm. Trong những tình huống cụ thể, cân nhắc mức độ vi phạm đạo đức nghề nghiệp của hành vi “cài bẫy” (chưa quy định trong Bộ Quy tắc đạo đức của Hội Nhà báo Việt Nam) còn là việc phân tích một số yếu tố chủ quan, nếu có, từ phía người bị “cài bẫy”. Đây cũng là căn cứ cần tính đến trong xử lý đối với PV Nguyễn Hoài Nam về tác nghiệp điều tra nhập vai.

Hoài Nam 3
Phóng viên Hoài Nam trong vai phụ xe ở bến xe Móng Cái trong loạt bài điều tra Thâm nhập đường dây hàng lậu Móng Cái - Ảnh: CTV

PV Nguyễn Hoài Nam từng nhận được 3 giải thưởng báo chí quốc gia (giải B, C và khuyến khích) về những đề tài điều tra tiêu cực xã hội. Trong năm 2014, một số cơ quan chức năng Trung ương đã đề nghị Ban Biên tập Báo Thanh Niên nhằm trưng dụng Hoài Nam tham gia phối hợp, góp phần điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực bằng nghiệp vụ của PV. Qua đó, Nguyễn Hoài Nam đã được tặng thưởng, gửi thư khen về những thành tích cụ thể đóng góp cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Do PV Nguyễn Hoài Nam chưa hội đủ điều kiện về bằng cấp nên chưa được cấp Thẻ Nhà báo.

Sau khi phân tích, kiểm điểm về vi phạm cũng như động cơ, mục đích cùng quá trình báo cáo, thực hiện kế hoạch tác nghiệp cụ thể của PV Nguyễn Hoài Nam, đồng thời xem xét những nỗ lực liên tục của PV trong công tác phòng, chống tiêu cực, Ban Biên tập Báo Thanh Niên đã quyết định phê bình nghiêm khắc PV Nguyễn Hoài Nam. Đồng thời, bố trí PV này bằng năng lực nghiệp vụ hiện có để tham gia các đề tài điều tra khác thuộc lĩnh vực an sinh xã hội.

Hoài Nam 4
Phóng viên Hoài Nam trong vai lái heo đi tác nghiệp trong loạt bài Kinh hoàng heo siêu nạc - Ảnh: C.T.V

Ban Biên tập Báo Thanh Niên, qua sự việc này, cũng đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm về tăng cường việc quản lý bằng kế hoạch cụ thể đối với các PV làm nhiệm vụ viết phóng sự điều tra; tránh để trường hợp PV hoạt động đơn tuyến, tự trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng và người hỗ trợ; có sự trao đổi, phối hợp kịp thời và đầy đủ cùng các cơ quan liên quan để xử lý thông tin và xử lý vi phạm của đối tượng bị điều tra (nếu có) sau khi có kết quả điều tra của PV. Bên cạnh đó là việc rút kinh nghiệm về việc biên tập nội dung và cân nhắc đăng, phát một cách phù hợp đối với thông tin về các vụ việc tiêu cực nhạy cảm, phức tạp .

THANH NIÊN

Một số tuyến bài điều tra của PV Nguyễn Hoài Nam

>> Kinh hoàng heo siêu nạc
>> Kinh hoàng heo siêu nạc - Kỳ 2: “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có
>> Kinh hoàng heo siêu nạc - Kỳ 3: “Thần dược” là chất độc bị cấm!
>> Hậu loạt bài Kinh hoàng heo siêu nạc: Phạt nặng, buộc tiêu hủy sản phẩm chứa chất cấm
>> Thâm nhập "đường dây xăng dầu" biên giới
>> Thâm nhập đường dây hàng lậu Móng Cái - Kỳ 1: Những chuyến xe "đen
>> Thâm nhập đường dây hàng lậu Móng Cái - Kỳ 2: Bến xe “chợ đen”
>> Thâm nhập đường dây hàng lậu Móng Cái - Kỳ 3: Chuyện ở Trạm liên hợp Km 15
>> Nạo vét sông Thị Vải: Sự mờ ám kinh tởm
>> Nạo vét sông Thị Vải: Sự mờ ám kinh tởm - Kỳ 2: Qua bên kia sông, bùn biến mất(!?)
>> Nạo vét sông Thị Vải: Sự mờ ám kinh tởm - Kiểm tra làm rõ các sai phạm
>> Nạo vét sông Thị Vải: Sự mờ ám kinh tởm - Kỳ 4: Nhà thầu chính xin được khắc phục hậu quả nhanh chóng
>> Nạo vét sông Thị Vải - Sự mờ ám kinh tởm - Kỳ 5: Giám sát nhà thầu khắc phục việc đổ bùn bậy
>> Vụ "Nạo vét sông Thị Vải - Sự mờ ám kinh tởm": Thu gom được 18.000 m3 bùn
>> Nạo vét sông Thị Vải - Sự mờ ám kinh tởm: Đề nghị phạt thuyền trưởng, doanh nghiệp 360 triệu đồng

 

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.