Lợi vào túi ai?

Quế Hà
Quế Hà
03/03/2020 07:19 GMT+7

Theo thống kê của Sở Xây dựng Bình Thuận, hiện nay cả tỉnh này có 77 dự án bất động sản cả kinh doanh và cho thuê.

Trong số này, hiện nay chỉ có 8 dự án đủ các điều kiện pháp lý kinh doanh. Phần lớn các dự án đều trong giai đoạn triển khai và hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Các dự án bất động sản du lịch, kinh doanh nhà, biệt thự cho thuê chủ yếu được cấp chủ trương đầu tư giai đoạn từ 2016 - 2019; cá biệt có những dự án được chấp thuận chủ trương cả chục năm trước, vẫn chưa triển khai.
Ngược lại, có nhiều dự án mới chỉ được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng đã giao cho các đơn vị phát triển dự án cho giữ chỗ, đặt cọc, thực chất là bán lô nền đất. Dự án bất động sản ở Bình Thuận chủ yếu nằm trải dài ở ven biển, vốn là các khu “đất vàng, kéo dài từ huyện Hàm Tân đến thành phố Phan Thiết... ra tận huyện Bắc Bình.
Có những nơi “dày đặc” dự án như ở phường Mũi Né (39 dự án), cả bất động sản du lịch kinh doanh và cho thuê. Nhưng theo hồ sơ của PV Thanh Niên thì có tới 29 dự án được xếp vào diện chậm triển khai (thực chất là chưa triển khai) với hàng nghìn héc ta. Nhưng có một điều lạ là hiếm thấy dự án nào có xây dựng nhà cửa hay có người đến ở. Có những dự án, vẫn chỉ là những hàng rào bao quanh, những con đường thưa thớt không có dân cư.
Vậy làm thật nhiều dự án bất động sản như vậy để làm gì trong khi không có nhu cầu thực về nhà ở? Chia sẻ băn khoăn này với chúng tôi, ông Mai Văn Tam, nguyên Chánh thanh tra Sở TN-MT Bình Thuận, nói rằng: “điều này rất lãng phí tài nguyên đất, trong khi nhà nước không thu được tiền”.
Những người mua đất trong các dự án, cơ bản không có nhu cầu về nhà ở thực sự, mà chỉ là nhà đầu tư bất động sản; mua bán để kiếm lời giữa các nhà đầu tư với nhau. Do vậy, phải siết lại dự án bất động sản, làm rõ trách nhiệm các cơ quan tham mưu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.