Lương cán bộ công chức mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu sống tối thiểu

17/10/2017 12:39 GMT+7

Việc cải cách tiền lương trong thời gian qua không mang lại kết quả như mong muốn, tiền lương vẫn chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho cán bộ công chức và gia đình.

Đây là nhận định của ông Trần Văn Lý, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại buổi làm việc sáng nay (17.10) với Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì.
Theo ông Lý, hiện nay, thu nhập trung bình của người lao động, không kể ăn ca là 5,5 triệu đồng/tháng, còn lương để tính đóng bảo hiểm xã hội năm 2017 là 4,48 triệu đồng/tháng.
Để tăng thu nhập, người lao động phải làm thêm hoặc tăng ca nhưng mức thu nhập cũng chỉ thêm khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng/tháng, số tiền này chiếm 20 - 30% thu nhập hàng tháng của người lao động. Nếu không có khoản làm thêm thì tiền lương rất thấp, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, không có tích luỹ.
Đối với khu vực hành chính sự nghiệp, mức lương cơ sở hiện hành cũng quá thấp. Lương của một cán bộ công chức tốt nghiệp đại học hiện nay có hệ số 2,34 (cộng thêm 25% trợ cấp công vụ), thì lương thực tế nhận được vào khoảng gần 4 triệu đồng/tháng. Với mức lương của chuyên viên chính hệ số 4,4 (sau khoảng 10 - 15 năm công tác) thì lương thực tế nhận được khoảng 7,4 triệu đồng/tháng. Nếu là cán bộ, công chức loại C thì tiền lương còn thấp hơn nhiều.
Ông Lý cho biết, mặc dù từ năm 2004 đến 2017, tốc độ tăng lương cơ sở đã lên tới 4,5 lần, nhưng so với thị trường lao động thì còn quá thấp, chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho cán bộ công chức và gia đình họ. Cụ thể, so với mức lương tối thiểu vùng Chính phủ công bố áp dụng năm 2018, thì lương cơ sở của cán bộ công chức mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu sống tối thiểu.
Bên cạnh đó, chế độ nâng lương 3 năm/lần khi hoàn thành nhiệm vụ còn hình thức, chưa phát huy, khuyến khích người có trình độ, năng lực làm việc hết khả năng để có thu nhập cao hơn, mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong quan hệ tiền lương.
Trước thực tế trên, tại buổi làm việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam kiến nghị, cần xác định lại mức lương cơ sở cho đúng và đủ trong khu vực Nhà nước phù hợp với thị trường lao động là điều hết sức quan trọng và cần thiết; sớm cải cách tiền lương, đặt lại mức lương cơ sở khu vực Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần sớm ban hành luật Tiền lương tối thiểu, trước mắt là hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu nêu trong Bộ luật Lao động theo hướng tiền lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ.
Hội đồng Tiền lương cần công bố lộ trình đến năm 2019 tiền lương tối thiểu phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cải cách tiền lương không chỉ là điều chỉnh tiền lương cơ bản, tiền lương tối thiểu mà còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến chính sách tiền lương, ở nhiều khu vực như tiền lương của cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, tiền lương của người lao động khu vực Nhà nước, khu vực sản xuất kinh doanh.
Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng sẽ nghiên cứu, khảo sát phục vụ xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công để báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.